00:00 Số lượt truy cập: 3082590

Thê thảm vùng mía 

Được đăng : 03/11/2016

Chỉ chừng 2 tháng nữa người trồng mía miền Trung vào vụ thu hoạch, người trồng mía hy vọng sẽ được cầm những đồng tiền chắt chiu suốt 11 tháng vun trồng. Vậy mà trong 1 đêm, cơn bão số 9 đã cuốn phăng của họ thành quả ấy.


Theo chân anh Hồ Văn Vân-PGĐ NM Đường Quảng Phú (Cty CP Đường Quảng Ngãi) về vùng nguyên liệu mía ở xứ đồng Gia Trại thuộc thôn Long Bàng Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành- Quảng Ngãi). Đây là vùng nguyên liệu “mầu mỡ” nhất của NM Đường Quảng Phú. Nhìn những ruộng mía nằm rạp mặt đất anh Vân nói như chực khóc: “Đáng ra những cây mía này đang đứng cao 3 mét, xanh tốt sởn sơ bởi từ đầu năm đến nay thời tiết rất ủng hộ cây mía: nắng đẹp, mưa đều, nông dân đang trong tâm trạng chờ đón mùa thu hoạch bội thu. Giờ thì hết sạch rồi”.

Hầu hết các cánh đồng mía trên địa bàn Quảng Ngãi bị bão hành xác: cây mía ngã rạp còn ngâm thân trong nước lũ rút chậm, chỉ có đọt mía vừa ngoi lên sau mấy ngày nắng ráo. Những cây mía này dù không chết yểu thì cũng sẽ không phát triển thêm vì rễ đã mọc toàn thân, lũ chuột lại “thèm ngọt” nên sẽ không buông tha. Mà hễ cây mía đã bị chuột cắn thì kể như bỏ vì chữ đường sẽ giảm sút lớn. Những cây mía bão xé rách toạc lá không còn quang hợp được thì sự phát triển cũng bị cầm chân. Thê thảm nhất là những vùng mía nằm giữa vùng nước xoáy bị sa bồi, trên ngọn mía là bùn đất, rác rơm…

Ông Nguyễn Vàng, nhóm trưởng nhóm nông dân trồng mía của thôn Long Bàng Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) cho biết: “Nhóm có 240 hộ trồng mía với gần 100 ha, hầu hết diện tích bị đổ ngã do nước sông Giăng tràn qua cao đến 3 mét, phủ lên đến ngọn. Nước vừa rút bà con phải bơm nước rửa mía”. Còn anh Đặng Bé ở thôn Long Phú than thở: “Nhà tôi trồng gần 1 ha mía từ tháng 2, đến khi bị bão ập vào thì cây mía đã cao lút đầu. Chúng đã ngốn của tôi 1 đống tiền”. Anh Bé tính toán: “Từ khi trồng đến khi thu hoạch, đổ vào 1 sào mía rất nhiều: tiền cải tạo đất 120.000đ, tiền thuê máy kéo hàng 100.000đ, tiền mua ngọn 300.000đ…rồi là tiền phân bón, thuê công chăm sóc. Tổng đầu tư lên đến 22 -25 triệu đồng/ha chứ đâu ít. Toàn bộ được NM đường ứng trước, đến khi thu hoạch mới thu hồi. Bây giờ mía hư hết trọi, không biết rồi đây lấy gì mà trả NM”.

Tình trạng cây mía sau bão ở Bình Định cũng thê thảm không kém. Trong lúc đi thực địa tại vùng mía Quảng Ngãi tôi gọi điện cho ông Phan Lâm Tường-Phó TGĐ Cty CP Đường Bình Định được ông cho biết, cơn bão số 9 đã tàn phá hầu hết vùng nguyên liệu của Cty, cả trên địa bàn Bình Định lẫn vùng nguyên liệu tại tỉnh Gia Lai. Tính đến nay thì đã có đến 7.074 ha mía bị thiệt hại, sản lượng bị ảnh hưởng lên đến 83.709 tấn. Ông Tường minh họa thảm cảnh của cây mía hiện nay: “Mía ở Bình Định hầu hết bị bão bẻ ngọn. Khi cây mía đã bị gẫy ngọn thì sẽ mọc lên 1 chồi khác. Có đầu tư tích cực mấy thì dinh dưỡng sẽ chỉ nuôi ngọn mới chứ không nuôi cây nữa nên cây mía sẽ “đứng im” và tàn lụn dần”.

Trên đường về, trông cảnh 1 người phụ nữ đang phơi mình dưới nắng, lặn lội trong ruộng mía bị ngã đổ, gập người lấy tay đỡ lên từng cây rồi dùng lá mía cột lại thành chùm để cây mía đứng dậy ai mà không thấy xót lòng. Chị Phan Thị Hải ở Hành Minh (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) tâm sự: “Vay tiền của NM đầu tư cho cây mía, trông mong cây mía đạt sản lượng, chữ đường cao, bán đạt giá 500.000đ/tấn (10 chữ đường) để vừa có hoàn trả vốn cho NM, vừa có lãi để xoay sở chuyện gia đình. Bây giờ mía hư hết thế này thì lấy đâu trả nợ. Mong sao NM xem xét cho giãn nợ, đầu tư tiếp để chúng tôi tiếp tục SX”.

Chỉ tính riêng 2 NM Đường ở Quãng Ngãi đã có đến gần 20.000 hộ dân trồng mía. Hiện nhà nào cũng đang lâm cảnh khốn đốn thì chúng ta biết là cơn bão số 9 đã gây hại cho người trồng mía ở miền Trung lớn đến dường nào. Khi chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Thành Đàng- TGĐ Cty CP Đường Quảng Ngãi  buồn bã thông báo: “Số diện tích mía bị bão gây hại của NM Đường Quảng Phú và NM Đường Phổ Phong là 4.209 ha, trong đó có 2.563 ha bị thiệt hại nặng tập trung ở huyện Bình Sơn. Hầu hết các vùng mía ở Bình Sơn không thể phát triển được nữa và mất năng suất nghiêm trọng”.

Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN: Kế hoạch SX của các NM có thể bị "phá sản"

Ngành mía đường làm gì để khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định sản xuất? NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN.

Xin ông cho biết thiệt hại đối với ngành mía trong khu vực do bão số 9 gây ra?

Có thể nói trong nhiều thập kỷ qua chưa bao giờ ngành mía đường khu vực MT- TN lại bị thiệt hại lớn đến vậy. Không những các tỉnh ven biển mà các tỉnh Tây Nguyên cũng mất mát nghiêm trọng. Hàng ngàn ha mía mất trắng do bị vùi lấp, sa bồi thủy phá, trên 23.000ha bị đổ ngã, táp lá có thể không cho thu hoạch. Đặc biệt các NM đường ở Quảng Ngãi và Kon Tum, Bình Định có trên 50% diện tích bị ngã đổ và vùi lấp, thậm chí 100% diện tích mía nguyên liệu của NM đường Phổ Phong đã bị ngã đổ không ít thì nhiều. NM đường Kon Tum có quy mô nhỏ mà thiệt hại lên tới 30 tỷ đồng, Cty CP Đường Bình Định thiệt hại vài chục tỷ đồng, Quảng Ngãi gần 20 tỷ đồng...Còn tổng thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ chứ đâu ít.

Ngành mía đường khu vực MT- TN những năm qua luôn gặp khó khăn giờ đây lại gánh thêm thiệt hại này chắc chắn người trồng mía và DN mía đường khó có thể gượng dậy ngay được.

Như vậy chắc chắn các NM đường sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn  trong vụ ép tới?

Các NM đường khu vực MT- TN luôn ở tình trạng “đói” mía nguyên liệu, ví dụ các NM của Cty CP Đường Quảng Ngãi hàng năm chỉ chạy được khoảng 30 – 40% công suất, NM Đường Kon Tum cũng thiếu mía, còn tại khu vực Gia Lai khi bước vào vụ ép luôn xảy ra tranh giành mua mía giữa các NM đường. Trong khi đó bão số 9 đã gây thiệt hại hàng trăm ngàn tấn mía nguyên liệu sẽ đẩy tình trạng khan hiếm nguyên liệu trong niên vụ tới lên đến đỉnh điểm. Thậm chí kế hoạch của các NM đường có thể bị "phá sản".

Vì vậy tới đây chuyện tranh mua nguyên liệu sẽ rất căng thẳng. Trong khi đó cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu đã bị lũ tàn phá nặng nề, nên khi bước vào vụ thu mua mía các NM lại phải đầu tư làm đường, cầu cống rất tốn kém.

Để phát triển vùng nguyên liệu, các NM đường thường phải đầu tư vốn cho người nông dân nhưng họ đã bị thiên tai “cướp” đi hết. Hiệp hội có kiến nghị ngành ngân hàng hỗ trợ DN mía đường?

Để phát triển vùng nguyên liệu, thông thường mỗi ha mía các NM đầu tư 8 – 10 triệu. Trong khi đó người nông dân vùng bão lũ đã bị mất hết nhà cửa đến tài sản, đời sống người nông dân làm mía lại chỉ biết trông vào cây mía để trả nợ, trang trải cuộc sống.

Để chia sẻ với nông dân và các DN, chúng tôi đang đề nghị các Cty đường thống kế chính xác con số thiệt hại từ đó kiến nghị Chính phủ, Bộ NN- PTNT, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ người nông dân trồng mía. Còn đối với các Cty đường phải vay vốn các tổ chức tín dụng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chúng tôi kiến nghị các ngân hàng xem xét giãn nợ cũng như miễn thuế để giảm bớt một phần khó khăn cho DN mía đường.

  Thiệt hại của ngành mía đường MT- TN, liệu có "góp phần" đẩy giá đường  vọt lên không, thưa ông?

Kế hoạch sản lượng đường của cả nước niên vụ tới đạt 1,1 triệu tấn tăng 20% so với năm trước. Thiệt hại của MT- TN vừa qua là khá lớn nhưng so với cả nước thì sản lượng đường có thể không giảm nhiều. Cùng với đó là kế hoạch NK đường năm nay khoảng 61.000 tấn và đường còn tồn từ niên vụ trước nữa nên hy vọng cũng không xảy ra thiếu hụt đường quá nhiều cũng như giá đường sẽ không biến động mạnh.