Theo báo cáo của Cơ quan thú y vùng 7, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lợn của 1 hộ chăn nuôi ở ấp Xéo Võng A, xã Hiệp Lợi, TX. Ngã Bảy (Hậu Giang) là dương tính với virus gây bệnh tai xanh. Bệnh xuất hiện ngày 26-7 trên đàn lợn 32 con.
Còn tại Vĩnh Long từ ngày 25 - 7 đến 6-8, DTX đã xảy ra tại 3 xã Tân Hạnh (huyện Long Hồ), Tân Bình (huyện Bình Tân) và Đông Thành (huyện Bình Minh) với tổng số lợn mắc bệnh là 161 con. Ngày 6-8, đã phát hiện DTX ở 4 xã thuộc 2 huyện Krông Pawk, Eakar và TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) với tổng số lợn mắc bệnh khoảng 200 con.
Trước đó, ngày 6-8, tỉnh Khánh Hòa đã chính thức công bố DTX tại một số vùng dịch. Theo báo cáo của Chi cục Thú y Khánh Hòa, từ giữa tháng 7, trên địa bàn các huyện Diên Khánh, Ninh Hòa, Cao Lâm, Khánh Vĩnh, TP. Nha Trang xuất hiện một số đàn lợn bị bệnh và chết bất thường. Ngày 2 và 3 - 8 đã phát hiện tại xã Ninh Quang (Ninh Hòa) và xã Khánh Đông (Khánh Vĩnh) có lợn mắc bệnh với tổng số 63 con. Chi cục đã tiến hành tiêu hủy 57 con lợn mắc bệnh.
Chiều 6 - 8, Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để tăng cường công tác phòng chống DTX trên địa bàn và công bố virus lợn tai xanh đã xuất hiện tại phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc (quận 12) và đã cho tiêu hủy 194/756 con lợn của 12 hộ dân ở đây.
Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh cho biết: Bệnh lợn tai xanh do tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch nên khi vừa phát hiện huyết thanh của lợn tại 2 địa điểm trên dương tính với virus lợn tai xanh là chúng tôi phải cho khoanh vùng, phong tỏa, tiêu hủy tất cả số lợn nhiễm bệnh, kể cả những con cùng chuồng. Theo báo cáo của Chi cục Thú y thành phố, từ ngày 29-7 đến 4-8, đã tịch thu và tiêu hủy 2.436kg thịt lợn, 124 con lợn sữa không rõ nguồn gốc.