Thêm tỉnh Hậu Giang tái phát dịch cúm gia cầm - Công điện khẩn yêu cầu gấp rút triển khai các biện pháp chống dịch
Được đăng : 03/11/2016
Ngày 28/12, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đã có thêm tỉnh Hậu Giang tái phát dịch cúm gia cầm. Hai ổ dịch ở Hậu Giang được phát hiện vào ngày 24/12 tại ấp 6 xã Xà Phiên và ấp 3 xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.
Toàn bộ số gia cầm chết tại 2 ổ dịch này là 450 con vịt khoảng 1-2 tháng tuổi, chưa tiêm phòng vắc xin. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm H5N1. Như vậy dịch cúm gia cầm đang tái phát và lây lan với tốc độ khá nhanh. Hiện đã có 10 xã của 6 huyện thuộc 3 tỉnh là Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang tái phát dịch.
Trước tình hình này, ngày 28/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã có công điện số 43 BNN/CĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, ngành trong Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm yêu cầu gấp rút triển khai các biện pháp đồng bộ phòng bệnh cúm gia cầm tái phát.
Nội dung công điện nêu rõ: Từ khi dịch cúm gia cầm tái phát tại hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với các tỉnh, thành phố để chỉ đạo thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch. Thực tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều bất cập cần phải tập trung tháo gỡ, đó là tư tưởng chủ quan, coi thường dịch của một bộ phận nhân dân, khi phát hiện dịch bệnh không khai báo, không hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương không chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đã đề ra. Nhiều địa phương còn thiếu cán bộ, đặc biệt là cán bộ thú y cơ sở; thiếu phương tiện, hóa chất khử trùng, không bố trí đủ nguồn kinh phí để chủ động chống dịch, thiếu chính sách cụ thể về hỗ trợ khi phải tiêu hủy gia cầm và các chính sách liên quan ở địa phương. Các ổ dịch tái phát gần đây chủ yếu là ở các địa phương đã có dịch trước đây và trên đàn gia cầm chưa được tiêm phòng.
Để chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch nhằm dập tắt ngay ổ dịch khi mới xuất hiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia nhanh chóng triển khai ngay các nội dung Công điện 2119/CĐ-TTg ngày 22/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời khống chế, ngăn chặn dịch cúm gia cầm tái phát và Công điện số 40 BNN/CĐ ngày 19/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh ngay công tác tổ chức chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm ở địa phương; kiện toàn và khôi phục lại hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các cấp; lập kế hoạch cụ thể và phân công người chịu trách nhiệm thực hiện từng nội dung phòng chống dịch. Trên cơ sở đó, tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên từng địa bàn (chú trọng vào khu vực ổ dịch cũ, cơ sở chăn nuôi, khu vực có nguy cơ cao…). Cùng với việc bố trí cán bộ chính quyền, đoàn thể phối hợp tổ chức giám sát dịch, tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tới từng hộ gia đình, các địa phương sẽ huy động lực lượng cán bộ chuyên môn ngành chăn nuôi, thú y bố trí về từng xã, đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 cán bộ có mặt thường xuyên để hỗ trợ chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch. Trường hợp gặp khó khăn đề nghị báo cáo gấp về Ban chỉ đạo Trung ương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết, không để xảy ra tình trạng vì thiếu kinh phí mà không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Trước mắt trong tháng 1 và tháng 2 năm 2007, các bộ, ngành trong Ban Chỉ đạo và địa phương cần tổ chức giám sát dịch đến tận hộ gia đình nhằm phát hiện nhanh, xử lý triệt để ổ dịch, kiên quyết không để dịch lây lan rộng; Tổ chức thực hiện Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường tại những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia cầm, chợ buôn bán gia cầm, khu vực có ổ dịch cũ, hố chôn gia cầm bệnh.... Ngoài việc tổ chức tiêm phòng bổ sung triệt để cho đàn gia cầm đặc biệt là đàn thuỷ cầm; kiên quyết tiêu huỷ đàn gia cầm của hộ chăn nuôi nào không thực hiện việc tiêm phòng theo quy định; các địa phương cần khôi phục ngay hoạt động kiểm dịch động vật nội địa, thiết lập các trạm, chốt hoặc các đội kiểm dịch lưu động tại các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy; từng huyện, xã bố trí lực lượng phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, nhất là từ nay đến trước Tết âm lịch. Mặt khác, tăng cường hoạt động chống buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến qua biên giới./.