Hiện, càphê Việt Nam đang gặp khó khăn ở cả thị trường trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách mua càphê của nông dân với mức giá cao để nắm giữ hệ thống phân phối. Mặt khác, họ dùng tin đồn để tìm cách giảm giá bán càphê của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trên thị trường London (Anh).
Thua trên "sân nhà", thiệt trên "sân ngoại" Đắk Lắk hiện có khoảng 180.000ha càphê, sản lượng bình quân đạt 400.000 tấn nhân xô/niên vụ. Chưa tới nửa niên vụ nhưng gần 1/2 sản lượng càphê Đắk Lắk đã rơi vào tay DN nước ngoài, đẩy DN của tỉnh vào tình cảnh thiếu hàng xuất khẩu. Nắm rõ tiềm năng của thị trường càphê và những điểm yếu của DN Việt Nam, các công ty càphê hàng đầu thế giới đã ồ ạt nhảy vào. Họ tìm hiểu các nhà máy chế biến, nhanh chóng thâm nhập sâu vào hệ thống phân phối. Có vốn dồi dào, họ đến từng hộ nông dân để mua trực tiếp càphê với giá cao, khiến các DN trong nước lâm vào tình trạng khó khăn. Theo ông Văn Thành Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Đắk Lắk (Inexim Đắk Lắk), DN đã đầu tư và hỗ trợ cho 100 hộ dân trồng trên 100ha càphê ở xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar. Nhưng đến vụ thu hoạch, công ty không mua được 50% sản lượng vì công ty nước ngoài đã "hớt tay trên". Thậm chí khi công ty chấp nhận mua bằng giá các DN nước ngoài đưa ra, càphê nguyên liệu cũng không còn.
Trong khi đó, nhà đầu cơ và các DN nghiên cứu thị trường tại nước ngoài lại đưa tin đồn trên các báo nước ngoài nhằm làm giảm giá bán của các DN Việt Nam trên sàn giao dịch càphê London. Trang báo tài chính Hoa Kỳ Bloomberg ngày 28/9 đưa tin, sản lượng càphê của Việt Nam có thể đạt 1,32 triệu tấn trong niên vụ này. Ngay lập tức, giá càphê Robusta tại sàn Liffe (London) giảm mạnh. Trong bài báo cũng xuất hiện những dự báo giá càphê Robusta sẽ ở mức 1.836 USD/tấn vào năm 2012. Mức giá này thấp hơn nhiều so với 2.672 USD/tấn hồi tháng 3/2011. Trên thực tế, diễn biến tại Việt Nam không giống như thông tin đã đưa. Thời tiết xấu và một số cây quá tuổi đang bị chặt bỏ, nên chuyện sản lượng càphê tăng đột biến là rất khó. Như vậy, việc tung tin sản lượng tăng có thể coi là một trong những chiêu bài của DN nước ngoài nhằm giảm giá càphê. Nếu tình trạng bị tấn công cả trong lẫn ngoài như vậy vẫn tiếp diễn thì chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường càphê Việt Nam có thể bị các DN ngoại thao túng. Câu chuyện này đã từng xảy ra đối với ca cao Việt Nam năm 2008. Vốn thiếu, cơ chế yếu Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Intimex Việt Nam, DN càphê trong nước yếu ở tất cả các khâu, từ vốn, nguyên liệu đến phương thức bán hàng và quản lý rủi ro. Ông Nam cho biết, ngay từ lúc thị trường bắt đầu mở cửa, ngành càphê đã không có chiến lược cụ thể, chi tiết. Các DN kinh doanh chế biến và xuất khẩu càphê phát triển manh mún, mỗi DN chạy theo một hướng. Nhiều đơn vị thua lỗ do không có kinh nghiệm cũng như sự đầu tư bài bản. DN để các hộ tự trồng và mua với giá không ổn định khiến nông dân thiệt hại và quay sang buôn bán với thương nhân nước ngoài. Thêm vào đó, các DN cũng chưa đưa ra một phương pháp bán hàng cụ thể khiến giá bán bị phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Ông Nam nhận định, các DN nên đưa ra những chiến lược trong sản xuất kinh doanh để ổn định thị trường. Vốn chính là vấn đề giúp Việt Nam giải quyết bài toán về giá và nắm giữ hệ thống phân phối của các DN trong nước. Theo ông Nam, do thiếu vốn, các DN trong nước không thể cạnh tranh và xoay chuyển nhanh so với các DN nước ngoài. DN nước ngoài được vay vốn với lãi suất thấp (mức lãi suất khi vay USD của các DN ngoại chỉ 5,5%). Trong khi đó, các DN Việt Nam lại khó vay vốn, nếu có thì phải vay với lãi suất cao. Đến khi DN Việt Nam tìm được vốn cũng không còn nhiều càphê để thu mua. Bởi các thương nhân nước ngoài đã mua đến 70% sản lượng cà phê trên thị trường. Theo ông Nam, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ về vốn vay cho DN để thu mua cà phê dự trữ. Như vậy, vừa tránh được việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu với DN nước ngoài, vừa giúp bình ổn về giá và tránh sự thao túng hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xem xét hạn chế việc DN nước ngoài mua trực tiếp càphê từ nông dân để tránh việc tranh mua như hiện nay. |