00:00 Số lượt truy cập: 2669734

Thị trường gạo biến động mạnh 

Được đăng : 03/11/2016
Trước tình hình cung ứng gạo trên thị trường trở nên khan hiếm hơn, ở nhiều địa phương đã bắt đầu xuất hiện tình trạng đầu cơ, nâng giá, khiến giá gạo trên thị trường bị đẩy lên cao.

TP.HCM: Giá gạo tăng cao nhưng đủ cung ứng

Theo Sở Thương mại TPHCM, so với đầu tháng 10, giá gạo đã tăng đến 40%. Gạo tẻ loại thường trước đây khoảng 3.300đ - 4.000đ/kg, nay đã lên trên 5.000đ - 6.500đ/kg. Các loại gạo đặc sản giá trên 7.000đ/kg, đặc biệt các giống gạo nàng thơm chợ Đào, gạo Tài nguyên, gạo thơm giống Đài Loan giá đã trên 8.000đ/kg.

Mặc dù lượng lúa hàng hoá dự trữ trong nông dân ĐBSCL đang cạn, nguồn hàng khan hiếm, nhưng lượng gạo về TPHCM vẫn đủ cung ứng nhu cầu lương thực tiêu dùng. Lượng gạo nhập vào các chợ đầu mối vẫn duy trì khoảng 240 tấn/ngày.

Hà Nội: Lượng gạo về chợ giảm 20%

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Mến - chủ cửa hàng kinh doanh gạo tại chợ Bắc Qua: Do nguồn hàng từ ĐBSCL chuyển ra Bắc giảm mạnh nên dẫn tới tình trạng sốt gạo tại một số thời điểm trong ngày. Đánh giá bước đầu trong ba ngày 11, 12 và 13.11 lượng gạo cung ứng tại các chợ Hà Nội giảm 20%.

Giá gạo theo đó cũng biến động mạnh, tăng trung bình 5.000đ/yến đối với tất cả các loại gạo nội có trên thị trường. Tại siêu thị Intimex, Fivimart, Unimart và một số đại lý của Tổng công ty Lương thực miền Bắc, một số loại gạo "cháy" hàng như: Tám Hải Hậu, tám Điện Biên. Nếu tình trạng hàng khan, giá gạo tiếp tục có thể tăng thêm trong những ngày tới.

Đà Nẵng: Bão về, dân lo trữ gạo

Theo các tiểu thương tại các chợ đầu mối như chợ Hàn, Cồn, Mới... thì giá gạo thật sự sốt trong 10 ngày trở lại đây. Gạo hương lài tăng 1.500 đồng/kg, gạo Đài Loan tăng 2.500/kg (8.500 đồng) và đặc biệt gạo lại sữa tăng lên 3.000 đồng/kg (11.000 đồng).

Giá gạo tăng, không có hàng để bán, song các tiểu thương không dám trữ hàng vì miền Trung đang vào mùa mưa (gạo dễ bị mốc). Trong 2 ngày trở lại đây, khi có thông tin bão số 8 đổ bộ vào miền Trung, nhu cầu mua gạo dự trữ trong dân tăng mạnh nên dù giá cao cũng đành phải đổ xô đi mua để dự trữ.

ĐBSCL: Giá lúa tăng kỷ lục

Những ngày qua, giá lúa gạo tại ĐBSCL tăng kỷ lục từ trước đến nay. "ăn theo" tình hình này, không ít hàng xáo liên kết ngầm với người trồng lúa trữ hàng thu lợi, đẩy các doanh nghiệp đang thực hiện các hợp đồng xuất gạo càng lâm vào tình thế khó khăn.

Tại Vĩnh Long, dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đang làm ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đau đầu vì vừa phải đảm bảo chỉ đạo góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xuất khẩu lúa gạo, vừa phải đảm bảo vấn đề an ninh lương thực tại địa phương.

Trong cuộc trao đổi chiều ngày 13/11, ông Phan Nhựt Ái - Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các ngành liên quan cùng bà con nông dân phối hợp thực hiện tốt các hợp đồng đã ký kết trước đó trong xuất khẩu gạo. Mặt khác, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang chờ chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNN để cân bằng giữa xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương.

Thiếu hụt 825 nghìn tấn lúa

Cho đến nay, dịch bệnh rầy nâu và vàng lùn-lùn xoắn lá trên lúa vẫn đang tiếp tục hoành hành tại 21 tỉnh, thành phía nam. Ước tính, dịch bệnh đang gây thiệt hại cho trên 148 nghìn hécta lúa thu đông và hơn 31 nghìn hécta lúa mùa 2006 tại các tỉnh phía nam.

Với diễn biến dịch như hiện nay, ước tính sản lượng lúa cả năm của ĐBSCL chỉ đạt khoảng 18,43 triệu tấn và giảm 825 nghìn tấn so với năm 2005. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chỉ riêng sản lượng lúa bị giảm so tác hại của dịch bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lên tới 428 nghìn tấn. Thiệt hại do dịch bệnh gây ra có thể lên tới 2.000 tỉ đồng và ảnh hưởng đến đời sống của 500 nghìn hộ dân nông thôn với khoảng 2,5 triệu dân.

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT cho rằng, các địa phương phải tiếp tục giám sát chặt chẽ sự xuất hiện của rầy nâu trên lúa thu đông và lúa đông xuân 2006 - 2007 gieo sạ. Các địa phương kiên quyết tiêu hủy ngay các ruộng lúa thu đông và lúa đông xuân 2006 - 2007 gieo sạ nếu lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá với tỉ lệ nhiễm trên 10%. Đồng thời khuyến khích sử dụng giống lúa xác nhận, kiểm soát chất lượng lúa giống và ngăn chặn việc kinh doanh giống kém chất lượng.