Đã gần 3 tuần trở lại đây, chị Nguyễn Thị Hương, một người chuyên kinh doanh gạo tại chợ Xuân Khánh, đường 30 tháng 4 (thành phố Cần Thơ) thay đổi bảng giá liên tục, từ lúc các loại gạo chỉ tăng 500 đ/kg, lên 1.000 đ/kg, nay tăng lên 2.000đ/kg. Loại tăng giá cao nhất là gạo Nàng Thơm chợ Đào (Long An), tăng lên đến 2.500đ/kg và không biết có còn tăng nữa hay không? Chị Nguyễn Thị Hương nói:
- Tôi kinh doanh lúa, gạo tại chợ này gần 20 năm nay, chưa thấy bao giờ giá lại tăng nhanh đến vậy. Giá tăng nhưng lượng gạo hằng ngày các sạp bán ra vẫn không thay đổi, chỉ có giá đầu vào tăng lên mà thôi. Hiện tại, gạo Một Bụi (Vĩnh Thuận) có giá thấp nhất cũng đã vượt qua 5.500đ/kg, tăng hơn 1.000đ/kg. Ngoài ra, các loại gạo được coi là cao cấp như thơm Mỹ Nữ 6.500đ/kg; thơm Thái, Tài Nguyên 7.000đ/kg; thơm Lài mới 8.000đ/kg; Thơm Lài nhập 9.500đ/kg. Gạo Nàng Thơm chợ Đào (Long An) có giá cao nhất, có chỗ bán giá 10.000đ/kg và nếp Bắc có giá đến 12.000đ/kg, tăng hơn tháng trước 3.000đ/kg.
Giá gạo trên thị trường nội địa cung cấp cho người tiêu dùng tăng cao như vậy làm cho giá lúa cũng tăng theo, hiện đã lên đến hơn 3.000đ/kg. Giá lúa, gạo tăng cao nhưng người dân không còn lúa để bán khiến các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu gặp khó khăn. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong tại Cần Thơ, một trong những doanh nghiệp mạnh trong xuất khẩu gạo cho biết:
- Đã hơn hai tuần nay, doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu mua nguyên liệu đầu vào, ngày trước mỗi ngày doanh nghiệp mua được khoảng gần 100 tấn lúa, nay thì lùng sục khắp nơi cũng chỉ đạt được hơn 10 tấn mỗi ngày. Hiện nay lượng lúa Đông Xuân năm 2005 và hè thu năm 2006 nông dân đã bán hết cho các doanh nghiệp và tiểu thương. Giá lúa 2.500 đồng 1kg ở thời điểm đầu vụ Đông Xuân trước khiến không ai trữ lúa chờ tăng giá mà chỉ nghĩ đến việc bán ngay, chẳng ai tin rằng giá sẽ tăng cao như hiện nay.
Đâu là nguyên nhân?
Vì sao giá lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao như hiện nay, đây là câu hỏi của người tiêu dùng đòi hỏi các nhà quản lý đưa ra câu trả lời, nhằm tránh hiện tượng trên xảy ra ở các mùa vụ tiếp theo. Qua trao đổi với một số nhà khoa học thuộc Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thì nguyên nhân quan trọng làm giá lúa, gạo tăng cao đó là sự xuất hiện của rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu. Chính bệnh này đã làm cho năng xuất lúa Hè Thu vừa qua ở ĐBSCL chỉ đạt 4,44 tấn/1héc-ta, giảm 0,09 tấn/1 héc-ta so với vụ Hè Thu năm 2005.
Ngoài ra, giá gạo trên thị trường thế giới cũng đang dao động ở mức cao, cũng là nguyên nhân làm cho lúa gạo tăng lên. Theo Hiệp Hội Xuất khẩu gạo Việt Nam thì hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm đang ở mức gần 260 USD/tấn, còn loại 25% tấm có giá từ 179 đến 182 USD/tấn. Theo dự báo của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL thì giá gạo vẫn đứng ở mức cao, thậm chí có thể tiếp tục tăng cao vào những ngày cuối năm. Nguyên nhân giá gạo thế giới tăng cao là một số nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a... sản lượng lúa đã giảm do thời tiết và hạn chế mức gạo xuất khẩu, trong khi đó nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Phi lại tăng lên.
Thực chất, giá lúa, gạo tăng theo nhiều mặt hàng khác như xăng, dầu, vật tư nông nghiệp, giá điện, nước sinh hoạt và tăng nhanh từ khi cán bộ, công chức được tăng lương. Trong những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, giá lúa tại ĐBSCL đã tăng liên tục từ 20 đến 30 đồng/kg và hiện đang ở mức 2.600 đồng/kg. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nguồn cung lúa, gạo từ người nông dân đã hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh, lũ lụt. Theo các chuyên gia, khi nhu cầu vượt quá nguồn cung trong khi giá bán tăng, sẽ dẫn đến việc người nông dân nâng giá bán.
Giải pháp nào "giảm nhiệt" tăng giá?
Các tỉnh ĐBSCL đang đưa ra giải pháp trước mắt, nhằm "giảm nhiệt" thị trường lúa, gạo là phải tăng cường diệt trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Trao đổi với chúng tôi về biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho vụ lúa Đông Xuân này, Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Viện phó Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết:
- Theo báo cáo của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh trong khu vực thì hiện nay diện tích lúa có rầy khu trú đã lên tới gần 90.000 héc-ta, trải dài trên trà lúa của các tỉnh, đây là nguy cơ dịch sẽ tiếp tục lây lan nhanh trên diện tích lúa còn lại nếu các địa phương không có biện pháp thích hợp và quyết liệt trong diệt trừ sâu bệnh. Theo tôi, biện pháp hiện nay mà nông dân đang sử dụng là khi phát hiện bệnh thì xịt thuốc, biện pháp này chỉ có thể tiêu diệt rầy chứ không thể diệt mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá mà chúng đã truyền vào cây lúa.
Biện pháp lâu dài là các tỉnh trong khu vực cần có giống lúa thích hợp, không bị nhiễm sâu bệnh, người nông dân khi xuống giống Đông Xuân cần tham khảo ý kiến của các chi cục bảo vệ thực vật, xuống giống đồng bộ, không sớm cũng như không muộn, nhằm tránh cho bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá phát triển, lây lan trên diện rộng.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã dự đoán, từ nay đến 20 - 11 khi có gió mùa đông bắc, rầy sẽ bắt đầu di chuyển từ vùng Đông Nam Bộ về ĐBSCL. Nếu nông dân xuống giống lúa Đông Xuân trễ, sau đợt di chuyển của rầy, khi lúa trổ bông sẽ rơi vào thời điểm trời có sương mù, rất dễ bị bệnh thối cổ bông, ảnh hưởng năng suất và chất lượng lúa. Còn nếu xuống giống sớm, những đám lúa hơn 10 ngày tuổi sẽ là nơi trú ẩn của rầy trên đường di chuyển và mầm bệnh vẫn còn, không thể diệt trừ tận gốc được.
Nếu giải quyết được bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá thì năng suất, chất lượng lúa Đông Xuân năm 2006 sẽ tăng cao và sẽ giảm nhiệt được tình trạng lúa gạo tăng giá như hiện nay, bảo đảm an toàn an ninh lượng thực và giữ vững được lượng gạo xuất khẩu ra thế giới. Công tác quản lý thị trường, giá cả của các cơ quan chức năng cần được tổ chức chặt chẽ, có biện pháp hữu hiệu và kịp thời. Cũng rất cấn quản lý chặt chẽ các cửa khẩu và các tuyến đường tiểu mạch qua biên giới, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tư thương xuất lậu lương thực qua biên giới.