Thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Rối như canh hẹ
Được đăng : 03/11/2016
Phần lớn nguyên liệu lệ thuộc vào nhập khẩu, khâu phân phối bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý giá và chất lượng sản phẩm... đã đẩy giá nhiều loại vật tư nông nghiệp cao hơn 30 - 40% so giá nhà máy và tạo kẽ hở cho hàng kém chất lượng gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sự bền vững của đồng đất.
Đó là nội dung chủ yếu tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp ổn định thị trường phân bón, thuốc BVTV" do UBND tỉnh An Giang phối hợp Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 20.5 tại TP.Long Xuyên với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang...
“Hoàng đế”… ăn nhờ
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, với nhiều ưu thế thiên nhiên về đất đai, khí hậu, nước tưới cùng với chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật... Việt Nam được quốc tế xem như vị “Hoàng đế” trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo.
Tuy nhiên, lượng phân bón vô cơ được sử dụng trung bình trên 1ha không ngừng tăng từ 40 kg (1976 - 1981) lên 120 kg (1982 - 1988) và từ 1992 đến nay đã tăng lên 140 - 150 kg. Trong khi đó do diễn biến phức tạp của thời tiết làm phát sinh nhiều loại dịch bệnh... đã đẩy ngành sản xuất thuốc BVTV đạt mức tăng trưởng 5 %/năm (2001 - 2008). Đến năm 2009, nhu cầu cả nước lên đến gần 8 triệu tấn phân bón và 50 ngàn tấn thuốc BVTV.
Thế nhưng trớ trêu thay, nhiều năm qua hầu hết các nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thiết yếu này lệ thuộc vào nhập khẩu.
TS Mai Thị Ánh Tuyết - Phó GĐ Sở KH-CN An Giang - nhấn mạnh: “Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam nhập khẩu bình quân từ 50 - 60% nhu cầu URE, 100% phân lân nung chảy và các loại phân khác như: SA, kali... Nguồn cung chính cho các nhà máy sản xuất thuốc BVTV chủ yếu cũng từ nhập khẩu”.
Còn theo ThS Trần Minh Hải - Trưởng Khoa KT - QTKD (ĐH An Giang): Nhiều mặt hàng này được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, nên nguy cơ rủi ro rất cao. Hay nói cách khác là thúc đẩy giá phân bón, thuốc BVTV tăng.
Nông dân lãnh đủ
Trong khi đó, hệ thống phân phối lại bộc lộ nhiều bất cập: Phân bố các cửa hàng chưa hợp lý, hạ tầng, nhân lực, vốn và liên kết phối hợp yếu, công tác quản lý chưa chặt chẽ và thiếu sức răn đe... đã dẫn đến tình trạng hàng kém chất lượng tràn lan. Giá tăng vọt do qua nhiều tầng nấc, trung gian... đẩy nông dân vào thế “lãnh đủ”.
TS Mai Thị Ánh Tuyết - Uỷ viên UB Kinh tế Quốc hội - nhận định: “Nhiều loại vật tư nông nghiệp khi đến tay nông dân đã bị đẩy giá lên 30 - 40% so với giá nhà máy”. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của hệ lụy chi hoa hồng ở mức cao.
ThS Trần Minh Hải nhấn mạnh: Thông thường, mức hoa hồng mà các đại lý cấp I hưởng từ các công ty, nhà máy là 20 - 40% so giá công ty niêm yết. Riêng với sản phẩm có nguồn gốc “nhập khẩu trọn gói”, mức hoa hồng lên đến 55%”.
Ông Nguyễn Văn Tuôi - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú (An Giang) - bức xúc: Mỗi khi có dịch là thuốc khan hiếm và sốt giá, nhưng quan trọng hơn là sau đó rất ít khi giá xuống trở lại.
ThS Hải cũng cho biết, có từ 17 - 25% sản lượng thuốc BVTV tại các đại lý cấp II, III không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ tác hại đến hiệu quả sản xuất của nông dân, mà còn tác động tiêu cực đến sự bền vững của đồng đất.
Quyết liệt khắc phục?
“Các văn bản pháp lý về quản lý điều hành còn mang tính sự vụ, chưa tạo được hành lang pháp lý để điều chỉnh, phát triển ngành phân bón, thuốc BVTV ổn định, bền vững” - TS Ánh Tuyết nhấn mạnh: Từ năm 1999 đến nay có khoảng 60 văn bản điều chỉnh ngành phân bón, nhưng tất cả đều là văn bản dưới luật, có hiệu lực thấp và liên tục bị thay thế”. Đó là trở lực cho việc “đổi mới” công tác quản lý thị trường phân bón, thuốc BVTV. Chính vì thế, tại hội thảo các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất.
Theo TS Tuyết, căn cơ nhất là hình thành Luật Phân bón. Bởi với quy định hiện hành, các hình thức xử phạt (chủ yếu là hành chính) chưa đủ sức răn đe các doanh nghiệp sản xuất hàng theo “công nghệ cuốc xẻng” tái phạm. Trong thời gian chờ luật, theo nhiều đại biểu trước mắt giao cho chủ tịch UBND cấp xã tham gia quản lý việc niêm yết giá và giá bán tại các cửa hàng trên địa bàn.
Thống nhất với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, nhấn mạnh thêm: Với những đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng... ngoài mức phạt, đề nghị công khai thương hiệu lên phương tiện thông tin đại chúng”.
Song song đó, cần tính lại thuế nhập khẩu nguyên liệu của mặt hàng này. Bởi giá phân bón trên thị trường thế giới duy trì khá ổn định và có xu hướng giảm giá, nhưng ở Việt Nam lại có chiều hướng tăng do ảnh hưởng tăng thuế nhập khẩu...
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, giữa đề xuất và hiện thực có khoảng cách rất xa, vì thế nếu sự quyết liệt chỉ dừng lại tại nghị trường thì còn lâu thị trường phân bón, thuốc BVTV mới có được sự lành mạnh ngang tầm với vị thế của quốc gia giữ vai trò “Hoàng đế” về lúa, gạo của thế giới.