00:00 Số lượt truy cập: 3042335

Thoát nghèo bằng dây thuốc cá 

Được đăng : 03/11/2016

Ông Huỳnh Phú Nhuận, một hộ dân nghèo được chính quyền tỉnh Cà Mau bố trí đến huyện U Minh lập nghiệp ở Lâm ngư trường U Minh 3. Với 1,5 ha đất thuộc vùng đất hoang hóa, trong tay ông lại không có vốn sản xuất nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm vượt khó làm giàu, ông Nhuận đã bắt đầu bằng những dây thuốc cá.


Do không thể phát triển được cây lúa, năm 2003 ông Huỳnh Phú Nhuận cải tạo toàn bộ phần đất này để trồng hoa màu. Tuy nhiên, mô hình trồng hoa màu của ông gặp khó khăn về nước tưới trong mùa khô.

Làm ăn không thuận lợi, ông Nhuận đi tìm hiểu thực tế làm ăn ở một số nơi có những khó khăn tương tự vùng đất của ông. Và, ông Nhuận thấy dây thuốc cá vừa dễ trồng, thích nghi với vùng đất của ông mà không đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, đồng thời chịu được thời điểm nắng hạn gay gắt, giá thuốc cá trên thị trường khá cao; ông Nhuận quyết định chuyển sang trồng dây thuốc cá trên toàn bộ diện tích vườn nhà.

Hiệu quả kinh tế ban đầu đem lại cho gia đình ông Nhuận rất cao. Sau 17 tháng, trên diện tích 1,5 ha ông thu hoạch gần 15 tấn dây thuốc cá, sau khi trừ đi chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Cách làm của ông là sau khi thu hoạch xong, vào khoảng tháng 7 và tháng 8 Âm lịch, ông thuê nhân công tiến hành cải tạo lên giồng đất và chọn dây thuốc cá khỏe mạnh để trồng lại. Để dây thuốc cá phát triển nhanh và cho năng suất cao, khoảng cách trồng bảo đảm để dây thuốc cá đủ không gian phát triển.

Theo ông, dây thuốc cá rất dễ trồng, hiệu quả cao nhưng vùng đất phải cao, đất phân là tốt nhất, vừa tránh tình trạng ngập úng vào mùa mưa, vừa tơi xốp giúp cho việc thu hoạch dễ dàng lại hạn chế hao hụt.

Hiện nay dây thuốc cá của ông không chỉ được tiêu thụ tại chỗ mà còn có mặt ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Từ một hộ dân nghèo không tấc đất trong tay, được bố trí định cư ở khu đất rừng U Minh để lập nghiệp, giờ đây gia đình ông Nhuận đã trở nên khá giả.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn chia sẻ giống và kỹ thuật trồng dây thuốc cá cho nhiều hộ dân trong xóm, giúp nhiều người khác thoát đói, giảm nghèo. Hiện tại ấp 17, xã Khánh An có 63 hộ dân đang phát triển mô hình trồng dây thuốc cá trên diện tích hơn 70 ha, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế, ổn định đời sống.

Dây thuốc cá còn có tên dây duốc cá, dây mật, dây cóc, dây cát là loại cây mọc hoang ở các vùng thuộc Nam bộ, Nam Trung bộ. Ở miền Nam cây được trồng nhiều ở Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Phú Quốc để lấy rễ. Cây cũng gặp ở các nước khác trong khu vực châu Á là Campuchia, Malaysia, Indonesia, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ.

Gọi là dây thuốc cá vì đây là một loại dây leo to, vỏ thân và cành hơi đen. Lá kép hình lông chim, lá non có lông trắng ở mặt dưới. Cây có hoa màu hồng nhạt hoặc trắng, mọc thành chùm dài ở nách lá. Quả dây thuốc cá thuộc loại đậu, có hạt dẹt, dài hình bầu dục và có màu nâu nhạt.

Dây thuốc cá dùng làm gì? Khi nuôi tôm người ta sử dụng dây thuốc cá để làm sạch ao, mương trước khi thả tôm giống. Ngoài chức năng này, khi nuôi tôm, dây thuốc cá kích thích cho tôm tăng trưởng nhanh, mau lột vỏ...