Thoát nghèo nhờ nuôi lợn và vịt
Được đăng : 03/11/2016
Ở các xã vùng Đông huyện Gio Linh (Quảng Trị), ai cũng biết vợ chồng anh Phạm Văn Dũng và chị Phạn Thị Thuý, bởi anh chị được xem là những người có “máu” kinh doanh và biết cách làm kinh tế. Năm năm trở lại đây, vợ chồng anh Dũng có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế tổng hợp, trong đó chủ yếu từ nuôi lợn và vịt.
Tâm sự với chúng tôi, anh Dũng cho biết: “Cách đây 7 năm, kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, nguồn thu chủ yếu dựa vào sản xuất mấy sào lúa. Có những lúc gặp sâu bệnh, hạn hán, mất mùa khiến cuộc sống của gia đình càng thêm khốn khó”. Trước tình cảnh đó, anh chị bàn với nhau quyết định tìm hướng làm ăn mới để thoát nghèo. Bàn tới bàn lui mà không nghĩ ra cách gì, nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết địa phương, cuối cùng, anh Dũng “liều mình” chọn nuôi lợn.
Trong 3 năm đầu anh không có lãi, thậm chí có năm lỗ nặng, tuy nhiên, không vì thế mà nản lòng, lùi bước. Với quyết tâm làm giàu, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm qua ti vi, sách báo, anh chị vừa mày mò làm theo, sau một thời gian, những lứa lợn thịt đầu tiên được xuất chuồng. Trừ chi phí, gia đình anh lãi hơn 10 triệu đồng.
Tuy mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao nhưng anh Dũng vẫn băn khoăn do còn thụ động trong khâu giống, vì thế anh quyết định đầu tư mua lợn giống về nuôi. Chỉ sau hai năm, không những chủ động được nguồn giống, gia đình anh còn có thể cung cấp giống lợn chất lượng cao cho bà con xung quanh. Hiện, tổng đàn lợn của anh chị trên 40 con, kể cả lợn thịt và lợn giống, trong đó có khoảng 10 lợn thịt sắp xuất chuồng. Mỗi năm gia đình anh xuất chuồng 3 - 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa 20 - 25 con, thu về trên 50 triệu đồng. Nhờ nuôi lợn giỏi nên năm 2003, chị Thúy được mời tham gia tư vấn cho chương trình chăn nuôi lợn thâm canh của huyện Gio Linh.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2003 anh chị quyết định nuôi thêm vịt nhằm tận dụng nguồn lương thực, dẫu biết nuôi vịt không phải là dễ vì vịt thường hay mắc dịch bệnh. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ mà ngay vụ đầu tiên anh đã thu lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng.
Tâm sự với chúng tôi, chị Thúy khoe: “Gia đình tôi vừa xuất chuồng lứa lợn thịt khoảng 20 con, thu về hơn 20 triệu đồng và “tậu” được cái tủ lạnh mới”.
Để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, nguyện vọng của anh Dũng và các hộ khác ở xã Gio Thành là được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp và thời gian dài hơn. Các cấp chính quyền cần quan tâm tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Anh cũng kiến nghị với ngành chức năng cần tổ chức nhiều buổi tập huấn để trang bị thêm kiến thức sát với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như thành lập các câu lạc bộ về chăn nuôi, trồng trọt để người dân có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm, từ đó sản xuất hiệu quả hơn.
Có thể nói, với quyết tâm làm giàu chính đáng và sự đồng tâm hiệp lực, vợ chồng anh Dũng đã thành công trong việc tìm hướng làm giàu. Đến nay, anh chị đã xây được một căn nhà khang trang, sắm đầy đủ các tiện nghi trong nhà, đầu tư cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Quan trọng hơn là gia đình anh đều tham gia tích cực các phong trào của thôn xóm, không ngần ngại chia sẻ bí quyết làm ăn với bà con, hỗ trợ vốn, giống cho những hộ nghèo với mong muốn mọi người ai cũng có cuộc sống no đủ.