00:00 Số lượt truy cập: 3193518

Thoát nghèo nhờ trồng sầu riêng trên đất lúa năng suất thấp 

Được đăng : 03/11/2016

Trồng sầu riêng chất lượng cao trên đất lúa năng suất thấp, bấp bênh là cách làm hay của nông dân Cao Văn Lập ở miệt vườn Cẩm Sơn, Cai Lậy. Với mô hình này, ông đã nâng lợi nhuận từ đất canh tác lên gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa năng suất cao.


Ông Cao Văn Lập cho biết: Gia đình ông có 3 công đất trồng lúa tại ấp 3, Cẩm Sơn. Đất này trước đây dạng đất gò trồng lúa năng suất không cao. Vào mùa lũ lụt thường bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Nếu thu hoạch chậm khi nước lũ về, nguy cơ mất trắng hoặc phải gặt lúa non, chất lượng kém. Thực hiện chủ trương chung sống với lũ, tỉnh Tiền Giang qui hoạch phía Nam quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy, trong đó có Cẩm Sơn thành vùng trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Hệ thống đê bao Đông – Tây sông Ba Rày đủ đảm đương vai trò ngăn lũ, bảo vệ sản xuất và khu dân cư được hoàn thành từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh và địa phương. Nhận thấy thời cơ thuận lợi chuyển đổi sản xuất hiệu quả, ông Cao Văn Lập nhanh chóng lập vườn trồng sầu riêng Ri 6 – giống sầu riêng chất lượng cao nổi tiếng và là một trong 7 chủng loại trái cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang.

Với 3 công đất (3.000 m2) ông trồng được khoảng 40 gốc sầu riêng Ri 6. Hiện vườn sầu riêng của ông đã đạt 7 năm tuổi và cho thu hoạch vài năm nay. Trung bình mỗi mùa, một cây sầu riêng cho 50 quả, sản lượng trên 120 kg (2 kg - 2,5 kg/quả). 3 công đất mỗi mùa cho thu hoạch khoảng 4,8 tấn quả bán với giá bình quân 20.000 đồng – 23.000 đồng/kg, gia đình ông Lập thu hàng trăm triệu đồng. Vị chi một công đất đạt giá trị từ 30 triệu đồng – 33 triệu đồng, mỗi ha đạt giá trị 300 – 330 triệu đồng. Cây sầu riêng là cây trồng đặc sản của Tiền Giang, tập trung tại huyện vùng lũ Cai Lậy với diện tích khoảng 6.000 ha, lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, các giống sầu riêng chất lượng cao nổi tiếng nhất là Ri 6, Mong Thong....

Qua quá trình trồng và thâm canh sầu riêng Ri6, ông Cao Văn Lập đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tiễn hay nhằm đạt năng suất, sản lượng cao, chủ động xử lý cho trái mùa nghịch. Đặc điểm của sầu riêng sau 100 ngày kể từ khi đậu quả sẽ cho thu hoạch, nên vào tháng 4 âm lịch, ông Lập bắt đầu xử lý để cây ra hoa trái vụ bằng cách dùng ny lon đậy kín gốc và bơm cạn nước trong ao mương vườn kết hợp với chế độ chăm sóc đặc biệt. Khoảng tháng 7, 8 âm lịch sầu riêng bắt đầu ra hoa, đậu quả và đến tháng 11 âm lịch cho thu hoạch. Thường vụ sầu riêng nghịch kéo dài đến tận tháng giêng, tháng hai năm sau tùy theo thời gian xử lý của chủ vườn. Đây là thời điểm sầu riêng bán được giá cao nhất. Vụ sầu riêng nghịch đầu năm nay, có thời điểm giá thương lái thu mua tại vườn lên đến 30.000 đồng – 32.000 đồng/kg, mỗi ha đạt giá trị sản lượng lên đến nửa tỉ đồng và lợi nhuận 200 triệu đến 300 triệu đồng – một mức lợi nhuận kỷ lục về trồng cây ăn quả đặc sản và gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao.

Tại ấp 3, Cẩm Sơn, noi gương ông Cao Văn Lập, bà con tích cực phát huy hiệu quả các tuyến và ô đê bao ngăn lũ, chuyển đổi sang lập vườn trồng sầu riêng Ri 6 với diện tích hàng trăm ha, trở thành vùng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao quan trọng khu vực Đông sông Ba Rày. Từ đó, mở ra hướng làm giàu cho kinh tế hộ cũng như đóng góp xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước./.