Sinh ra và lớn lên ở một xã miền núi, ông Nguyễn Văn Tại còn là một bệnh binh, gia đình nghèo không có vốn để đầu tư sản xuất, việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Ông Tại đã cùng gia đình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế để phát triển kinh tế trang trại vườn rừng. Ban đầu, áp dụng biện pháp lấy ngắn nuôi dài, từ không đến có, gia đình ông nhận khoanh nuôi bảo vệ 50 ha rừng, sản xuất lúa 1 vụ, nuôi cá thịt; đầu tư mua cá bột ương nuôi và dần dần chuyển sang thâm canh 2 vụ lúa, 1 vụ màu và trồng cây ăn quả.
Tham gia những lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, ông Tại luôn mạnh dạn trao đổi những mặt đã làm được và chưa làm được với các học viên nhằm trau dồi kinh nghiệm. Với loại hình trang trại vừa và nhỏ, sau những năm tháng vất vả, tìm tòi sáng tạo phát triển kinh tế trang trại chuyển đổi từ chăn nuôi gia súc gia cầm sang trồng cây ăn quả và cây ngắn ngày, gia đình ông Tại đã khai phá thêm 2 ha để trồng 500 cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, hồng không hạt... Hiện nay, với thu nhập trên 120 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan và từ các nguồn thu khác, ổng thu nhập ổn định của gia đình ông Tại đạt 145 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Tại cho biết, tuy phát triển sản xuất trang trại còn gặp nhiều khó khăn, nhưng gia đình ông sẽ cố gắng vượt qua với sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành địa phương. Để phòng chống cháy rừng, ông Tại đã trực tiếp chỉ đạo phát dọn đường biên cản lửa những chỗ xung yếu nhất; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý thức bảo vệ rừng, không khai thác, chặt phá bừa bãi. Thời gian tới, gia đình ông sẽ tập trung quy hoạch lại diện tích vườn, ao, chuồng, cây màu, cây ăn quả, thúc đẩy công lao động đúng quy trình kỹ thuật để đạt hiệu quả sản xuất cao hơn.