Tuấn Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Đại Phạm, huyện Hạ Hoà - tỉnh Phú Thọ. Từ nhỏ đã sớm được cha mẹ cho làm quen với các công việc nhà nông, lớn lên xây dựng gia đình, anh chị sinh được 1 trai một gái. Vật lộn với cuộc sống ở quê nhà sau bao năm vất vả nhưng gia đình anh không thoát được cái nghèo. Năm 2000, anh tạm biệt vợ con, một mình lên huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái buôn bán kiếm được chút vốn liếng. Năm 2004, anh đưa vợ con lên xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái mua đất phát triển kinh tế theo hướng nông lâm nghiệp - chăn nuôi và dịch vụ. Với 5 ha rừng, 5 sào đất bãi, 5 sào ruộng nước sẽ là cơ hội để anh phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu từ chính sức lao động của mình.
Được sự giúp đỡ của chính quyền xã và bà con lối xóm, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp do cán bộ khuyến nông thực hiện trên địa bàn xã, rồi đi thăm quan học hỏi nhiều mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài xã. Từ đó anh quy hoạch 5 ha rừng để trồng cây lâm nghiệp gồm 3 ha keo và 2 ha bồ đề đến nay đã 6 tuổi. Trong khuôn viên nhà ở, anh thiết kế chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt với quy mô 5 lợn nái và 50 lợn thịt/lứa. Trung bình mỗi năm anh xuất chuồng 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa 3,5 tấn lợn hơi, trừ chi phí cũng cho thu nhập 10-13 triệu đồng/lứa. Như vậy trong một năm thu nhập từ chăn nuôi lợn thịt cũng được 30-40 triệu đồng/năm. Lợn nái sinh sản trung bình 2 lứa/con/năm và 9 con/lứa, hàng năm cũng cho anh 90-100 con lợn giống, trừ chi phí, anh cũng cho thu nhập 10-15 triệu đồng/năm. Diện tích đất bãi anh chuyên để trồng rau sạch cung cấp cho thành phố và các huyện lân cận, phần còn lại anh để phục vụ phát triển chăn nuôi. Thu nhập từ nguồn rau sạch cũng từ 5-10 triệu đồng/năm. Qua vài năm phát triển chăn nuôi, anh thấy nuôi lợn đang có lãi. Vì vậy năm 2009 anh chị mở rộng quy mô chăn nuôi lên từ 50 -130 con lợn thịt/lứa và 8 lợn nái gồm nhiều giống khác nhau như Lang Hồng, Móng Cái… Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay gia đình đã bán được 3 lứa với trên 10 tấn lợn hơi, trừ chi phí cũng cho lãi 25- 30 triệu đồng. Đồng thời hiện nay trong chuồng nuôi còn 130 con lợn chuẩn bị xuất chuồng, ước tính trên 8 tấn lợn hơi sẽ cho lãi khoảng 20-25 triệu đồng.
Khi chia sẻ về bí quyết thành công trong trồng trọt cây mầu, chăn nuôi anh tâm sự: “Gia đình tôi có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ có cán bộ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông đã giúp đỡ rất nhiều. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật dài hạn, ngắn hạn được tổ chức tại xã, rồi qua các kênh thông tin trên truyền hình, đài, sách, báo… cộng với sự tìm tòi học hỏi không ngừng, tôi đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như; Chọn thời điểm trồng cây rau mầu sao cho đúng lúc có khung thời tiết thuận lợi, khi thu hoạch giá bán được cao. Cách chọn được giống lợn tốt, mua ở những địa chỉ tin cậy rõ ràng, công tác phòng bệnh bằng các loại vác xin tụ huyết trùng, phó thương hàn, lép tô, dịch tả,… đảm bảo, đúng cách và đúng lúc. Công tác quản lý cách chăm sóc nuôi dưỡng theo các chỉ tiêu kỹ thuật… Vì vậy đàn lợn của gia đình ít bị bệnh, phát triển nhanh làm tăng số lứa/năm từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm tăng thu nhập cho gia đình. Hàng năm trừ các khoản chi phí gia đình tôi thu lãi từ rau mầu, chăn nuôi lợn cũng 50 - 60 triệu đồng/năm, chưa kể đến 5 ha rừng sắp được thu hoặch, do đó có điều kiện nuôi các con ăn học, và mua sắm các tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt gia đình và đầu tư mở rộng trang trại”.
Như lời anh tâm sự, lao động cần cù, ham học hỏi, áp dụng đúng những tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm bắt được thị trường là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông lâm nghiệp và mang lại nguồn thu nhập cao từng bước góp phần xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giầu. Với sự năng động và sự mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, quyết tâm làm giầu bằng chính sức lao động của mình. Từ chỗ cuộc sống gia đình còn nghèo khó bấp bênh, không ổn định… Đến nay anh đã làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt gia đình, xây dựng vững chắc cơ sở. Anh không những làm kinh tế giỏi mà còn là điển hình trong công tác vận động bà con trong xóm tham gia vào các hoạt động xã hội và vận động mọi người tiêm phòng các loai vac xin để hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đồng thời hướng dẫn bà con lối xóm cách chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm sao cho đạt được kết quả cao nhất.