Chiến tranh đi qua đã lấy đi vĩnh viễn chiếc chân phải của chị Nguyễn Thị Hồng Huệ ở thôn An Chiểu, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân (Bình Định). Trở về cuộc sống đời thường với thương tật loại 2/4, tuy gặp không ít khó khăn vất vả nhưng với ý chí và lòng quyết tâm, chị đứng vững trước mọi khó khăn của cuộc sống, xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Cuộc sống đời thường đối với một gia đình nông dân, mà cả vợ lẫn chồng đều là thương binh như gia đình chị Huệ gặp không ít khó khăn và vất vả. Với ruộng đất làm nông nghiệp khoảng 6 sào, giỏi lắm thì đủ cái ăn cho một gia đình trong mùa giáp hạt, chứ làm gì có tích lũy. Câu hỏi làm sao để thoát nghèo, làm nghề gì để phù hợp với sức lực của mình, làm gì để giúp gia đình thoát ra sự túng quẫn đã làm anh chị trăn trởhàng đêm.
Không thể an phận, vợ chồng chị Huệ bắt tay vào xoay sở nhiều nghề, từ nấu rượu, làm bánh, làm bún, nuôi heo. Những bài học tích lũy được sau mỗi lần thành công hoặc thất bại của từng nghề đã cho chị nhận rõ một điều: “Muốn thành công, điều quan trọng nhất là phải có kiến thức, biết học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, biết vượt qua chính mình, chịu thương chịu khó và chắt chiu....”.
Năm 1990, chị bàn với chồng quyết định chọn nghề làm bún truyền thống và phát triển chăn nuôi heo để cải thiện cuộc sống gia đình. “Vợ có công, chồng không phụ”, nghề làm bún của chị đã dần dần ăn nên làm ra. Ngay từ năm đầu, từ vài ký gạo xay bột làm bún mỗi ngày bán tại chỗ trong làng trong xã, nay trung bình mỗi ngày chị phải ngâm ủ gạo từ 15 đến 20 ký, xay bột làm bún bán ra ngoài chợ huyện. Bún của chị thơm, ngon có tiếng. Với hơn 20 năm làm nghề bún tươi, đến nay bún của chị Huệ trở thành nổi tiếng với thương hiệu: “Bún tươi Cô Ba Dị”. Theo chị nhẩm tính, thu nhập từ việc làm bún “bỏ công làm lời” này trung bình mỗi tháng cũng đạt từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng.
Ngoài việc làm bún thành công, chị cũng mát tay trong việc chăn nuôi. Không như nhiều người nuôi heo thịt số lượng lớn để bán buôn, chi Huệ lại đầu tư chuyên nuôi heo nái, sản sinh con giống để bán cho người chăn nuôi trong huyện. Qua hơn 20 năm, trung bình mỗi năm, chị luôn duy trì từ 8 đến 10 con heo nái trong chuồng, số lượng heo con xuất bán mỗi năm từ 2 đến 4 lứa. Thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí còn lãi mỗi năm là 50 - 70 triệu đồng.
Đứng tước ngôi nhà khang trang, khu vườn có tường rào, cổng ngõ tươm tất, chị Huệ tự hào cho biết, chính nhờ tích lũy từ nghề làm bún và chăn nuôi heo mà chỉ mới có điều kiện để xây dựng ngôi nhà này. Hiện nay, 5 người con trong gia đình chị đều trưởng thành và hiếu nghĩa. Gia đình chị đã hơn 10 năm liên tục được xã bình chọn gia đình văn hóa tiêu biểu. Chồng chị được nhân dân trong thôn tin tưởng giao cho trọng trách làm trưởng thôn từ năm 2003 đến nay.
Chia tay chị, tôi thầm nghĩ nếu biết vượt qua mọi khó khăn thách thức, nhất là biết vượt lên chính mình, mọi nông dân quê mình đều có điều kiện để thoát nghèo./.