Nguồn cung khan hiếm
Indonesia từng tuyên bố sẽ xuất khẩu gạo hồi đầu năm nhưng hiện phải quay sang nhập khẩu gạo do mất mùa. Chỉ riêng trong tháng 9/2010, nước này đã phải mua 300.000 tấn gạo từ Việt Nam và 200.000 tấn gạo từ Thái Lan.
Lượng gạo dự trữ của châu Phi hiện không còn nhiều nên chắc chắn thời gian tới thị trường này cũng phải nhập khẩu gạo. Ngoài ra, tình trạng mất mùa lúa mì tại nhiều nước thuộc Liên Xô cũ khiến giá lúa mì thế giới tăng cao làm một phần nhu cầu lúa mì chuyển qua sử dụng gạo, từ đó tạo áp lực tăng giá gạo.
Một nguyên nhân nữa khiến nhu cầu lúa gạo thế giới trở nên nóng hơn bao giờ hết là trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử ở Pakistan, gây tổn thất lớn về lương thực. Tiếp đến, cháy rừng lan rộng đến mức chưa từng thấy ở Liên bang Nga, khiến chính phủ nước này phải tạm ngưng việc xuất khẩu ngũ cốc. Tuyên bố này làm rúng động thị trường lương thực thế giới. Sau đó, Ukraine cũng phải tạm ngưng xuất khẩu lúa mì. Những sự kiện này gần như làm xoay chuyển thị trường lương thực thế giới, cũng như thay đổi hẳn chính sách lương thực của nhiều nước.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Thái Lan, nước này đã xuất khẩu 5,5 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay, giảm so với 6 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Bulog, cơ quan thu mua gạo của Chính phủ Indonesia đang thương lượng để mua 300.000 tấn gạo của Thái Lan, trong khi Nigeria đang tìm mua 1 triệu tấn. Hàn Quốc muốn mua 43.590 tấn gạo tẻ số 1 của Hoa Kỳ để đáp ứng hạn ngạch nhập khẩu theo cam kết với WTO. Bănglađét cũng có kế hoạch đấu thầu mua 30.000 tấn gạo tẻ sấy.
Hơn 1 tháng qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đã liên tục đón tiếp nhiều đoàn khách đến từ Mozambique, Bangladesh, Indonesia, Philippines và Trung Quốc để xin ký các hợp đồng mua gạo. Trong khi Chính phủ Mozambique đến thăm Việt Nam và trở về với hợp đồng mua 400.000 tấn gạo (từ Vinafood 1) thì cơ quan Bulog của Indonesia và NFA của Philippines đến Việt Nam với mong muốn nhận được cam kết là sẽ mua được gạo.
Điều hành theo hướng linh hoạt
Trước việc thị trường lúa gạo thế giới đang khan hiếm, VFA cho biết, nâng giá sàn xuất khẩu gạo 25% tấm thêm 10 USD/tấn, tương ứng mức 445 USD/tấn. Riêng với loại gạo 5% tấm, VFA kiến nghị không nâng giá sàn mà điều hành theo hướng linh hoạt.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, để tận dụng cơ hội giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao, bên cạnh việc nâng giá sàn xuất khẩu, VFA khuyến cáo các doanh nghiệp không nên xuất khẩu gạo cấp thấp. Việc ký hợp đồng gạo cấp cao cũng nên thận trọng và chỉ những doanh nghiệp có lượng hàng dự trữ mới xuất khẩu.
Việc điều chỉnh giá sàn xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu khi giá trên thị trường thế giới tăng cao, qua đó giúp giá lúa trong nước tăng theo. Thực tế, theo đà tăng của giá gạo xuất khẩu, giá lúa trong nước đã tăng từ 3.200 đồng/kg hồi tháng 6 lên 5.000-5.200 đồng/kg hiện nay. Với mức giá này, người trồng lúa có lãi cao, đặc biệt là những vùng thu hoạch lúa hè thu muộn.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm 2010 có nhiều tín hiệu khả quan. Vấn đề là các doanh nghiệp cần phải xác định bán gạo với giá nào để có lợi nhất. Thêm nữa, cần xác định, việc chỉ đạo sản xuất đúng tiến độ để đảm bảo nguồn cung lúa, gạo cho tiêu thụ nội địa, xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do vậy, bên cạnh việc duy trì sản lượng cần phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Các bộ, ngành, địa phương, VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát thông tin sản xuất, diễn biến cung -cầu lúa gạo trong và ngoài nước để kịp thời có những biện pháp đối phó với diễn biến của thị trường.