Thời cơ vàng đang đến với hồ tiêu
Được đăng : 03/11/2016
Trong 5 năm gần đây, hạt tiêu Việt Nam nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thế giới và khẳng định vị trí "đại gia" số 1 về sản lượng và tổng lượng xuất khẩu. Xu hướng trên thị trường thế giới đang tiếp tục có những thuận lợi cho hạt tiêu Việt Nam.
Vị thế của... "đại gia"
Thời tiết không thuận lợi cộng với sâu bệnh lan rộng khiến cho sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm nay, theo dự báo của IPC, sẽ sụt giảm từ 15%-20%. Lâu nay, khi các nước tăng sản lượng thì nông sản Việt Nam thường bị lép vế, vì thiếu thông tin, vì chất lượng chưa cạnh tranh nổi và bán qua trung gian nên giá cả thường bị ép và thấp hơn.
Tuy nhiên trong thị trường hạt tiêu, vài năm gần đây Việt Nam chiếm vị trí số 1 về sản lượng và tổng lượng xuất khẩu. Năm 2006, Việt Nam cung ứng cho thị trường thế giới 116.670 tấn, chiếm gần 50% tổng lượng cung, tăng 21% so với năm trước đó.
Trước dự báo nhiều nước sẽ sụt giảm về sản lượng trong khi nhu cầu trên thế giới thường tăng trên dưới 3,5%/năm, vị trí "đại gia" số 1 của Việt Nam càng được củng cố. Giới kinh doanh hạt tiêu cũng cho rằng, nếu bị "trở trời trái gió" ngành hồ tiêu Việt Nam chỉ "ho hắng" một tí thì cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hạt tiêu thế giới.
Trong tình hình cung-cầu có lợi cho Việt Nam như vậy, vai trò cung ứng của Việt Nam ngày càng nổi bật. Một số nước trồng hồ tiêu ở Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia... đang có xu hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ với người trồng và xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi.
Ở Việt Nam, lâu nay mối liên kết này hầu như chưa được thiết lập, hoặc có nhưng lỏng lẻo, vẫn nặng về lợi ích riêng. Tuy nhiên khi vị thế cung ứng hạt tiêu của Việt Nam trở thành số 1, cùng với làn sóng đầu tư của nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, sắp tới khả năng các khách hàng lớn sẽ tập trung đến Việt Nam mua hàng trực tiếp hoặc đầu tư trồng trọt và chế biến ngay tại Việt Nam (như bên ngành cà phê, Nestlé hằng năm mua trực tiếp từ 20%-25% sản lượng càphê nguyên liệu tại Việt Nam). Như vậy Việt Nam có nhiều cơ hội thoát khỏi các trung gian thường ép giá thấp hơn từ 200-300 USD/tấn.
Cần nhanh chóng khắc phục nhược điểm!
IPC đánh giá, thuận lợi lớn nhất của Việt Nam là gần đây cả chất lượng và sản lượng hạt tiêu Việt Nam đều ổn định, trong khi sản lượng của các nước đang giảm, trong đó có Âận Độ là nước sản xuất hạt tiêu hàng đầu thế giới. Dù có dự báo rằng sản lượng thu hoạch vụ tháng 3 này của Việt Nam có phần sụt giảm vì hạn hán, nhưng thời cơ đã và đang đến với ngành hồ tiêu Việt Nam.
Lâu nay, ngành hồ tiêu Việt Nam và các nhà thu mua xuất khẩu vẫn bị đánh giá là vốn chưa đủ đáp ứng, không trường vốn. Khi được giá thì tranh mua tranh bán, giá hạ thì nhà thu mua cố ép giá nông dân. Cả nông dân và nhà thu mua chưa đủ thông tin về thị trường thế giới để chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất. Những vấn đề này, với Việt Nam, IPC vẫn tiếp tục khuyến cáo.
Các nhà NK nước ngoài đang đặt hàng đến hết tháng 3, tuy nhiên theo IPC, các nhà xuất khẩu Việt Nam không nên xuất ào ạt nếu muốn giữ giá cao ổn định từ 2.500-3.000USD/tấn.
Trước tình hình hạt tiêu Việt Nam được các nhà kinh doanh trên thế giới quan tâm đặt hàng, đồng thời giá hạt tiêu được dự báo sẽ tăng cao ổn định ở mức từ 2.200-2.500 USD/tấn trong năm 2007 và vẫn còn cao ở các năm tiếp theo, nguồn vốn đầu tư trong nước vào ngành này, đặc biệt từ khối ngân hàng, như Ngân hàng Vietcombank, Techcombank, Á Châu... sẽ ngày càng nhiều hơn. Nằm trong động thái này, Techcombank vừa tuyên bố sẽ cho các DN và nông dân vay từ 50-75 triệu USD, trong đó có từ 20%-25% dành để mua hồ tiêu dự trữ.