Thơm hương vùng quế Kiên Thành
Được đăng : 03/11/2016
Vùng quế Kiên Thành được khắp nơi biết tiếng như một đại diện của vùng quế Trấn Yên (Yên Bái). Ngay từ những năm 90 của thập kỷ trước, cây quế đã góp phần đổi đời cho người dân Kiên Thành. Ngày nay cây quế càng khẳng định chỗ đứng của nó trong đời sống người dân nơi đây.
Vừa đặt chân đến đỉnh dốc Ba Khoanh - nơi cửa ngõ vào xã Kiên Thành đã thấy thoang thoảng hương quế. Với diện tích tự nhiên 8.664,6 ha, Kiên Thành có tới 2.740 ha rừng sản xuất, trong số đó có 2.200 ha quế. 40 năm trước, người dân Kiên Thành đã biết trồng quế, nhưng chưa trồng với quy mô lớn như bây giờ.
Chỉ đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, phong trào trồng quế của người dân trong xã mới trở nên sôi động. Nhà nhà trồng quế, người người trồng quế. Trong những năm ấy, cây quế đã bắt đầu trở thành hàng hóa và mang lại cho người dân nguồn thu nhập đáng kể. Song, ngày ấy người dân chỉ biết bóc vỏ quế đem bán, quế vỏ được phân ra các loại A, B, C chất lượng khác nhau. Vậy mà, hàng ngày, trên con đường huyết mạch liên xã đã từng đoàn xe đạp, xe máy nườm nượp thồ quế ra thị trấn Cổ Phúc. Thế nhưng, ngoài việc bóc vỏ quế để bán, các phụ phẩm khác như: thân, cành lá hầu như bỏ hết, chẳng những không có thu nhập mà còn phải dọn dẹp, đốt bỏ, vệ sinh nương rẫy để chuẩn bị trồng lứa mới.
Ngày nay thì khác, toàn bộ các sản phẩm đó đều có thể tận dụng để bán, mà đó lại là thứ hàng hóa rất có giá trị. Thân gỗ - người dân thường gọi là "xương" sau khi đã bóc sạch vỏ thì đem bán cho các cơ sở chế biến gỗ để xẻ bao bì hoặc làm các đồ gia dụng. Cành lá được đưa về các lò chưng cất tinh dầu. Tinh dầu quế từ xưa đến nay vẫn là mặt hàng quý hiếm nên có bao nhiêu, thương lái đến tận nơi mua hết.
Người dân Kiên Thành biết chưng cất tinh dầu quế mới chỉ vài năm gần đây. Vào vụ quế năm 2005, được dự án đầu tư một lò nấu và hướng dẫn cách chưng cất tinh dầu cho đồng bào Mông ở bản Đồng Ruộng, sau khi thử nghiệm thấy dễ làm và cho lãi cao, bà con ở các thôn bản khác tự vay tiền để đầu tư mua sắm nồi chưng cất cho riêng mình. Hai năm trở lại đây cách làm này đã trở thành phong trào.
Ông Dương Kim Hưng - Phó bí thư Đảng ủy xã Kiên Thành rất tự tin: "Thiên nhiên ưu đãi cho xã có tới 6.000 ha rừng, ngoài số diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ, xã còn có gần 3.000 ha rừng dành cho sản xuất. Nhờ rừng mà khắp nơi người ta biết đến Kiên Thành thông qua cây quế, cây tre măng Bát Độ. Riêng quế là thứ cây truyền thống, gắn bó từ lâu đời với đời sống người dân chúng tôi. Ngoài chính phẩm của nó là vỏ quế thì mấy năm gần đây nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ việc chưng cất tinh dầu. Đến nay cả xã có 40 lò chưng cất mà mới chỉ tận thu được khoảng 30% số cành lá, như vậy tiềm năng cho thu nhập từ cây quế ở Kiên Thành vẫn còn rất lớn".
Qua trao đổi với các đoàn thể trong xã, được biết hội viên các đoàn thể đã rất tích cực xóa đói giảm nghèo dựa vào kinh tế rừng, trong đó đặc biệt là phát triển cây quế. Được biết, đầu tư cho một lò chưng cất tinh dầu giá thành khá thấp nhưng lại có lãi cao, khả năng thu hồi vốn nhanh và ít chịu rủi ro. Mỗi bộ nồi nấu giá 14 triệu đồng, xây dựng lán trại và hệ thống cấp nước tự nhiên mất khoảng 2 triệu, tất cả vốn đầu tư chỉ khoảng 16 triệu đồng là có thể bắt tay vào sản xuất. Nếu mỗi ngày nấu 4 mẻ thì chỉ từ 3 đến 4 tháng sau là hoàn vốn, sau đó là thu lãi.
Đến thăm lò chưng cất tinh dầu của ông Hà Văn Phiên, thôn Yên Thịnh đúng lúc mẻ dầu đầu tiên trong ngày vừa nấu xong. Ông cẩn thận tháo rốn bình chứa, một dòng dầu vàng đậm, đặc sánh, thơm lừng hương quế tuôn chảy vào can nhựa. Chỉ ít phút sau, nguyên liệu của nồi thứ 2 được nạp xong vào nồi. Lò lại bắt đầu nổi lửa. Không mất thêm một thanh củi nào, nhiên liệu để đốt lò chính là bã thải của lò trước còn đang ướt và nóng hổi được vun vào để đốt ngay mà lửa trong lò vẫn cháy rừng rực và cũng chừng ấy chất đốt cho nồi thứ 2 là lại có thêm nửa cân dầu nữa ra lò.
Ngồi hỏi chuyện, ông cho biết: mỗi lò với 70 kg lá khô nấu được nửa cân dầu, mỗi ngày nấu 4 mẻ tổng cộng được 2 kg dầu, giá bán mỗi cân 230.000 đồng, mỗi ngày lò này tiêu thụ 280 kg lá quế, giá thu mua hiện tại là 30.000 đồng một tạ, vị chi một ngày đầu tư vào đó 90.000 đồng và sản phẩm thu được là 2 kg dầu trị giá 460.000 đồng. Dầu nấu ra đến đâu bán hết ngay đến đó. Nếu có kế hoạch dự trữ nguyên liệu thì lò nấu dầu quế có thể hoạt động suốt cả năm. Mỗi năm trừ chi phí gia đình ông có thu nhập trên 40 triệu đồng từ việc chưng cất dầu quế. Mỗi năm xã Kiên Thành chưng cất được khoảng 5 tấn tinh dầu quế, tương đương giá trị 1 tỷ đồng và quế đã khẳng định vị trí của cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Chúng tôi rời Kiên Thành khi đã xế chiều; Mặt trời tiết cuối thu xuống núi rót những tia nắng vàng óng lên ngọn quế trên phía đỉnh rừng. Hương quế vẫn còn thơm mãi phía sau. Nhìn rừng quế ngút ngàn xanh, chúng tôi thêm vững tin ở ngày mai Kiên Thành sẽ là xã có nền kinh tế mạnh của huyện Trấn Yên. Người dân Kiên Thành sẽ thoát được cái nghèo đang còn hiện hữu trong từng làng bản.