00:00 Số lượt truy cập: 3041494

"Thông khùng" Đà Nẵng 

Được đăng : 03/11/2016

Trước khi đầu tư vào lĩnh vực kinh tế nông lâm thuỷ sản, ông Ông Văn Thông, ở thôn 4, xã Hoà Khương (Hòa Vang - TP Đà Nẵng) là đại gia trong lĩnh vực công nghiệp. Giai đoạn 2002-2006, với 10 chiếc xe ben loại lớn, ông từng nổi tiếng ở Hoà Vang khi nhận thầu thi công và đều vượt tiến độ các dự án có hạng mục san lấp mặt bằng.


Ông Thông đang chăm sóc đàn lợn

Ngôi biệt thự uy nghi sát quốc lộ 14b, chiếc ô tô con nhập ngoại ông mua sắm vào giai đoạn đó. Năm 2006, đang ăn nên làm ra, ông quyết định bán hết xe cộ đầu tư nuôi heo, gà, thả cá, trồng rừng. Nhiều người am hiểu tường tận về ông không khỏi ngỡ ngàng khi hay tin đại gia trong lĩnh vực san lấp mặt bằng giải nghệ chuyển sang lĩnh vực khác. Có người bạo mồm còn gán cho ông biệt hiệu “Thông khùng” khi đầu tư tiền tỷ vào lĩnh vực nhiều người đã trắng tay vì dịch heo tai xanh, cúm gia cầm. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, khuyên can, ông tự tin đầu tư theo hướng mình đã chọn. Với nguồn vốn 8 tỷ đồng cả xây dựng cơ sở hạ tầng, cả con giống, sau 3 năm, ông đã khẳng định hướng làm ăn mới mẻ này đem lại hiệu quả cao và bền vững hơn cả. Hiện trang trại này đang nuôi 1.300 con heo siêu nạc, 37 nghìn con gà đẻ trứng, và thả 50 nghìn con cá nước ngọt. Đây là trang trại có tổng đàn vật nuôi lớn nhất ở Đà Nẵng hiện nay. Mỗi ngày trang trại cung cấp cho thị trường 33 nghìn quả trứng, mỗi năm 250 tấn heo hơi và dăm bảy tấn cá, thu nhiều tỷ đồng.

Theo ông Thông, đầu tư vào lĩnh vực này lo ngại nhất là dịch bệnh. Muốn khống chế dịch hiệu quả, chỉ có thể đầu tư quy mô công nghiệp và nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Việc xây dựng chuồng trại đáp ứng yêu cầu khép kín. Các dãy chuồng nuôi gà đều lắp đặt máy quạt gió công suất lớn, môi trường trong chuồng luôn có nhiệt độ ổn định. Kiểu nuôi này người ta quen gọi là nuôi trong phòng lạnh. Tại đó, các hầm bi-ô-ga thể tích lớn vừa là nơi xử lý môi trường vừa cung cấp nhiên liệu chạy máy phát điện. Về thức ăn, không có cách nào tốt hơn đó là tự chế biến bằng nguyên liệu mình đảm nhiệm.

Ông Thông đặc biệt chú trọng phòng ngừa dịch bệnh từ xa cho gia súc gia cầm. Các quy định phòng chống dịch được duy trì nghiêm ngặt. Người lạ, yêu cầu bắt buộc trước khi vào trại phải qua công đoạn tiêu độc khử trùng. Bên cạnh việc thường xuyên xử lý môi trường chuồng trại, cán bộ nhân viên thú y bám sát theo dõi chăm sóc con vật nuôi rất chu đáo. Với nhân công, sau khi được ông gửi đi đào tạo nghiệp vụ chăn nuôi, ông khoán nuôi theo từng khu vực, từng lứa tuổi gà. Nhờ vậy, ai cũng tâm huyết với công việc được giao, luôn có phong trào thi đua lẫn nhau giữa các trại.

Ông Hồ Xuân Lập, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Hoà Khương nói về đại gia nuôi gia súc gia cầm này: Ông Thông là con liệt sỹ, có thời gian đi lao động ở nước ngoài. Khi về nước ông mạnh dạn đầu tư vào nhiều lĩnh vực và lĩnh vực nào cũng khá thành công. Từ đó mà đời sống kinh tế gia đình ông thuộc diện khá giả nhất nhì xã này.

Việc ông đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn trên địa bàn không chỉ tạo việc làm cho bà con địa phương mà đã mở ra hướng làm ăn lớn ở nông thôn vùng trung du này. Ông là người dám nghĩ, dám làm và đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng: đất nghèo Hoà Khương cũng có khả năng làm giàu từ nuôi heo, nuôi gà, thả cá.

Khu vực nuôi 37 nghìn con gà đẻ trứng vốn là ngọn đồi trồng keo lai thuộc địa phận thôn Phước Nhơn, xã Hòa Nhơn, cách hồ Đồng Nghệ chừng cây số về phía đông. Với người dân địa phương ngọn đồi đó chẳng thể làm được gì ngoài trồng cây lấy gỗ. Với ông Thông lại khác. Sau khi xem xét kỹ về địa hình, thổ nhưỡng ông quyết định mua 3 ha rồi đầu tư nhiều tỷ đồng san ủi mặt bằng, xây dựng cơ ngơi chuồng trại. Khi cơ ngơi phát huy hiệu quả, hàng chục nghìn con gà công nghiệp nuôi trong các dãy chuồng kết cấu khá đặc biệt, nhiều người trước đây cho ông khùng, nay không tiếc lời khen ý chí nghị lực và tầm nhìn xa trông rộng của ông.

Khu vực nuôi heo siêu nạc vốn là trang trại trồng hàng nghìn gốc tiêu của một người dân địa phương. Vào thời điểm tiêu rớt giá, dịch bệnh làm chết dần chết mòn, chủ trang trại đó phải bán đổ bán tháo. Và ông chủ chỉ quen chỉ huy xe ben đã mạnh dạn mua lại với ý đồ sẽ xây dựng trang trại nuôi heo siêu nạc. Thế rồi, 1 ha trang trại đầy gốc tiêu bị hỏng đó, dưới bàn tay của ông Thông trở thành trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Sát chuồng heo ông đào 6 ao thả cả. Giống tốt, thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn, nhân công tận tụy với con vật nuôi, năm nào trang trại cũng xuất chuồng 250 đến 300 tấn heo hơi.

Nói về hiệu quả kinh tế, ông Thông cho biết: Mỗi quả trứng trừ hết mọi chi phí lãi 150 đ, mỗi con heo từ lúc nhập giống về đến khi xuất chuồng lãi 100 nghìn đồng. Tính ra, mỗi ngày trang trại lãi 7-8 triệu đồng. Từ nguồn lãi khá lớn này, ông Thông không ngần ngại khi đầu tư giúp đỡ các hộ nghèo ở địa phương. Năm 2008, ông xây tặng hộ nghèo Nguyễn Ngọc Tuấn ở thôn Phước Sơn, xã Hoà Khương ngôi nhà tình thương trị giá 20 triệu đồng. Hiện tại ông trợ giúp 2 hộ nghèo khác mỗi tháng 400 nghìn đồng, trong thời gian 3 năm.