1. Phương pháp phát hiện nhanh hạt giống kháng thuốc diệt cỏ
Theo số liệu thống kê hiện nay có trên 305 loại giống cây trồng ở trên 50 quốc gia kháng lại ít nhất một loại thuốc diệt cỏ, con số này tiếp tục tăng do tác động của môi trường và do quá trình đa dạng hóa di truyền. Để phát hiện nhanh hạt giống kháng thuốc diệt cỏ, các nhà khoa học ở Nhật và Australia mới đây đã nghiên cứu và cho ra đời một kỹ thuật mới có tên là Eco-tilling.
Đây là kỹ thuật dễ ứng dụng, có mức chi phí thấp và có độ tin cậy cao. Đến nay tuy các gen của cây trồng chưa giải mã hết nhưng các đột biến trong các phân tử đơn tạo ra gen lại được người ta hiểu rất rõ dựa vào vị trí của nó có trong gen và nhờ biết được các đột biến mới, đặc biệt là qua sàng lọc các nhà khoa học đã biết được cụ thể các đột biến nào là thủ phạm chính. Kỹ thuật Eco-tilling giúp nông dân áp dụng những phương pháp canh tác mới, đặc biệt là diệt trừ cỏ, tăng vụ để đạt năng suất cao. Phương pháp này đã được thử nghiệm thành công đối với nhiều loại hạt giống ở Nhật và Australia.
2. Giải mã bí ẩn về tác dụng sức khỏe của rượu vang đỏ
Tạp chí The FASEB số ra tháng 8/2009 có đăng tải nghiên cứu của các chuyên gia Anh và Singapo về việc phát hiện ra tác dụng chữa bệnh của rượu vang đỏ đối với con người, đặc biệt là hợp chất resveratrol trong việc làm giảm quá trình viêm nhiễm trong cơ thể. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy các chất dẫn xuất của resveratrol có tác dụng trong việc điều trị một số loại bệnh nan y như viêm ruột thừa, viêm màng bụng và chứng nhiễm trùng hệ thống. Trong thí nghiệm này người ta đã dùng resveratro để chữa bệnh cho chuột.
Kết quả nhóm dùng resveratro ít bị viêm nhiễm hơn so với nhóm không dùng resveratro. Nghiên cứu trên mở ra một triển vọng sản xuất các loại thuốc có chứa resveratro, tuy nhiên để mang lại kết quả thì nên uống điều độ, không nên lạm dụng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Tây Ban Nha nhân bản thành công chuột
Các chuyên gia ở khoa sinh ĐH Autonoma de Barcelone (UAB) vừa nhân bản thành công 3 con chuột cái. Cả ba đều ra đời tháng 6/2009 bằng kỹ thuật cloning nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, đặc biệt là kiểm chứng khả năng thành công của kỹ thuật nhân bản. Đây là những sản phẩm được xem là thành công nhất của Tây Ban Nha vì năm 2003 các nhà khoa học đã nhân bản được một con dê núi từ tế bào đơn nhằm bảo vệ giống động vật quý hiếm này nhưng nó chỉ sống được 10 phút sau khi ra đời vì mắc bệnh phổi.
4. Giải mã tính đa dạng di truyền của cây lúa
Tạp chí khoa học PNAS của Mỹ số ra đầu tháng 8/2009 đã đăng tải một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học quốc tế về việc giải mã tính đa dạng di truyền của cây lúa, đặc biệt là nghiên cứu hệ gen của trên 20 giống lúa chuyển đổi gen hiện đang được canh tác trên quy mô toàn cầu. Cụ thể hơn là sự giống và khác nhau của các giống lúa này, ví dụ như các biến thể ADN, các gen, khả năng chịu hạn hán, sâu bệnh, vv...
Theo số liệu thống kê thì tại Trung tâm nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) ở Philippin hiện đang lưu giữ trên 109.000 giống lúa khác nhau nhưng rất nhiều trong số này chưa được nghiên cứu và ứng dụng triệt để. Sự thành công của nghiên cứu này giúp khoa học hiểu sâu thêm chức năng của các gen trong việc phát triển, đồng thời giúp con người tạo ra những giống lúa mới chịu được sâu bệnh, môi trường khắc nghiệt, có lợi cho sức khỏe con người và cho năng suất cao nhằm đảm bảo tốt chương trình an ninh lương thực cho dân số trên 9 tỷ người vào năm 2050.
5. Tạo giống lúa có hàm lượng sắt cao gấp 6 lần lúa bình thường
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới hiện nay có gần 2 tỷ người bị thiếu sắt trong cơ thể hậu quả dẫn đến mệt mỏi kinh niên, thiếu máu và nhiều căn bệnh nan y khác. Lý do chính của hiện tượng này là thói quen dùng gạo xát quá kỹ mà sắt lại chủ yếu nằm ở vỏ cám bên ngoài. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu sinh học (ETH) Thụy Sỹ mới đây đã tạo ra giống lúa có hàm lượng sắt cao gấp 6 lần giống lúa bình thường bằng cách truyền thêm hai gen mới vào cho các giống lúa hiện có.
Sau khi được truyền hai gen này lúa sẽ sản xuất ra enzyme có tên nicotiamine syn-thase, làm nhiệm vụ huy động sắt và protein feritin làm nhiệm vụ giữ sắt. Tóm lại quá trình này giúp cho cây lúa hấp thụ nhiều sắt từ đất và môi trường và lưu giữ lại trong vỏ cám của hạt. Giống lúa này hiện đang được gieo trồng thử nghiệm trong nhà kính và phải mất vài năm nữa mới được trồng đại trà.
6. Tạo thành công giống quýt ít hạt
Một giống quýt ít hạt mới có tên là DaisySL vừa được các chuyên gia ở ĐH California (Mỹ) lai tạo thành công. DaisySL có hình dạng giống như quýt bình thường nhưng lại có rất ít hạt, có mùi vị thơm ngọt khi chín và có vỏ mỏng màu sắc hấp dẫn. Thời gian thu hoạch của loại quýt này từ tháng Giêng cho đến đầu tháng Hai hàng năm. Để tạo được giống quýt này các nhà khoa học đã phải tiến hành rất nhiều thí nghiệm lai tạo và chọn giống trong thời gian kéo dài trên 10 năm, bắt đầu bằng quá trình canh tác đột biến dài 5 năm, sau đó chọn lọc tiếp để cho ra đời chất lượng quả, khả năng phát triển cũng như năng suất.
Quýt DaisySL chính thức được cấp bản quyền tháng 6/2009, mỗi quả có kích thước trung bình là 68 mm, cao 60 mm, nặng chừng 135 gam, có từ 10-11 múi, một lõi nhỏ và trung bình 2,2 hạt, mức hạt thấp nhất trong số các loại quýt đang được gieo trồng tại Mỹ hiện nay.