00:00 Số lượt truy cập: 2668177

“Thủ lĩnh” nuôi cá mú ở Phú Quý 

Được đăng : 03/11/2016
Trong gần 50 hộ nuôi cá mú ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), ông Trần Quỳnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản ở thôn Tân Hải, xã Long Hải được nhiều hộ nuôi phục nhất. Bởi ông nắm chắc kỹ thuật, rành nhiều bệnh và ngừa bệnh cho cá rất giỏi.

Ông Trần Quỳnh kiểm tra định kỳ cá nuôi.

Khi chúng tôi đến thăm, ông Quỳnh đang bận tắm cho cá nên chúng tôi trò chuyện ngay trên miệng bè. Vừa làm ông vừa kể chuyện đời và bước ngoặt chuyển qua nuôi cá mú của mình. Gia đình ông vốn sống bằng nghề lặn bắt cá mú, cá mặt quỷ. Năm 1996, trong một lần lặn biển ông bị ép khí nên liệt 2 chân, chữa trị 4 năm mới khỏi, nhưng từ đó sức khỏe yếu hẳn nên ông bỏ nghề lặn.

“Sống bằng nghề đánh bắt cá mú từ nhó, giờ không đi biển được tôi cứ thấy thiêu thiếu. Suy nghĩ mãi tôi quyết định làm lồng bè nuôi cá mú trên biển. Năm 2000, tôi rủ thêm 3 người chung vốn nuôi 2.000 con cá mú đỏ, do nuôi dày nên năm đó cá chết nhiều nhưng cũng lấy lại được vốn bởi giá cao. Thấy nuôi cá mú có lãi, nhiều hộ bắt đầu tìm hiểu và đầu tư nuôi ngày càng nhiều. Mấy hộ nuôi chung với tôi cũng tách ra nuôi riêng. Năm 2009, tôi nuôi 2.700 con cá mú các loại, lãi khoảng 180 triệu đồng”, ông Quỳnh cho biết.

Theo ông Quỳnh, cá mú không khó nuôi, chỉ cần môi trường nước biển sạch, thức ăn lại dễ kiếm, thị trường tiêu thụ mạnh. Hiện vùng biển Long Hải có trên 103 lồng bè nuôi cá mú các loại, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 200 tấn cá thương phẩm. Nuôi cá mú cọp, mú đen đầu tư vốn nhẹ hơn cá mú đỏ nhưng lãi ít hơn, vì giá cá mú đỏ thương phẩm cao gấp 2,5 lần các loại cá mú khác. Tuy nhiên, con giống cá mú đỏ hiếm nên rất ít hộ nuôi. Từ người chuyên đi lặn bắt cá mú tự nhiên, đến việc nuôi cá mú bằng lồng bè trên biển thành công, ông Quỳnh đã giúp đỡ nhiều người bằng cách chỉ dạy kỹ thuật nuôi. Vì vậy, ông được người dân đảo Phú Quý xem là thủ lĩnh vượt lên số phận để làm giàu từ cá mú.