Nhắc đến Khu Du lịch Vườn cò, Q.9, thành phố Hồ Chí Minh, cư dân miền Nam đều biết. Nằm ở phía Đông cách trung tâm thành phố 30km, và là khu du lịch sinh thái nằm ven sông, có vườn trái cây trĩu quả, khu câu cá, nghỉ mát...
Đến với Khu Du lịch Vườn cò 1, của chú Hai Ký, du khách đi thuyền trên sông tham quan cảnh trí trên sông thơ mộng, ghé thăm làm cá bè Long Phước, trại lợn (heo) rừng và chiêm ngưỡng các món ăn việt thuần tuý như: tôm, cá, gà, lươn, ếch, rắn, rùa, ba ba, chim nước, chuột đồng... Đây là khu du lịch có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ngay ngã ba sông Tắc và sông Trao Trão, khung cảnh thoáng mát kết hợp với nhiều loại hình dịch vụ đã thu hút rất nhiều du khách thập phương đến để xem cò.
Chú Hai Ký, tên là Nguyễn Văn Ký (68 tuổi), ngụ tại 35/4, ấp Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, Q.9, dẫn chúng tôi tham quan toàn khu du lịch của gia đình mà trên hai mươi năm tạo lập nên. Cùng trao đổi trên thuyền, chú kể chuyện: Những năm thập kỷ 80, của thế kỷ 20, gia đình chú có 8 ha đất ruộng canh tác 2 vụ lúa trên năm, năng suất rất thấp và bấp bênh, chỉ đạt 1,5 – 2 tấn/ha/vụ, đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình, không làm giàu được. Hàng đêm chú cứ suy nghĩ trăn trở, thao thức làm sao mình làm giàu được trên mảnh đất của gia đình? Thế là chú quyết định chuyển đổi cộng với chủ trương của Nhà nước cho chuyển đổi đất lúa sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Năm 1990, chú vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của quận với số tiền 900 triệu đồng. Bước đầu, gia đình chú bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi heo và bò, lên vườn trồng các loại cây ăn trái như mận, xoài, vú sữa, mãng cầu, măng cụt, mít… Sau 5 năm thu nhập từ vườn cây ăn trái và heo, gia đình chú đã trả nợ cho ngân hàng. Qua thông tin đại chúng, chú nắm bắt được việc làm du lịch sinh thái vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, vừa là nơi vui chơi giải trí của cư dân nội thành vào những ngày cuối tuần. Thay đổi tập quán canh tác, gia đình chú vừa cải tạo vườn cây ăn trái vừa khai thác du lịch miệt vườn. Từ đấy đến nay, hằng năm doanh thu trừ mọi chi phí, lợi nhuận từ khu du lịch của gia đình chú trên 100 triệu đồng.
Không dừng lại ở đấy, chú bôn ba khắp nơi “tầm sư học đạo”, thông qua các cuộc tham quan, hội thảo, tập huấn của các ban ngành từ thành phố đến địa phương để học hỏi khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt là tìm những cây trồng, vật nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế cao để áp dụng vào sản xuất của nhà mình. Năm 2003, phong trào nuôi heo rừng mới phát triển, chú lặn lội lên rừng Nam Cát Tiên tìm mua 1 đực và 7 heo rừng cái đem về nhà gây nuôi. Lúc đầu chỉ để phục vụ du lịch, không ngờ heo rừng phối giống và sinh sản dễ như heo nhà, chú cho phối giống, đàn heo cứ ngày một phát triển. Thấy thị trường heo rừng giống và thương phẩm rất rộng và nhiều người làm giàu từ vật nuôi này. Năm 2006, chú mạnh tay vay vốn theo chương trình 105 của thành phố được 1,1 tỷ đồng để tiếp tục cải tạo lại khu du lịch và phát triển đàn heo rừng. Ngoài giống heo chú nhân giống tại gia đình, chú còn nhập heo rừng từ Thái Lan về nhân giống để tránh trùng huyết. Hiện đàn heo của gia đình chú trên 200 con, trong đó có 40 cái sinh sản, bình quân một cái sinh sản hai lứa trên năm, đạt 14 – 15 con. Thức ăn của heo rừng, gia đình chú tận dụng cây Lục Bình ở dòng sông Tắc, chỉ tốn chi phí cám gạo. Bình quân 1 con heo phải tốn 3 kg thức ăn trên ngày, trong đó 2 kg rau củ quả cộng với 1 kg cám gạo. Ngoài ra, gia đình chú còn tận dụng trái cây bị hư ở vườn để bổ sung thêm thức ăn cho heo. Với cách chăm sóc như thế, gia đình chú bán heo giống đạt trên 500 con/năm, giá 4 – 5 triệu đồng/cặp và giá heo thịt 90 – 100.000đ/kg, doanh thu trừ mọi chi phí còn lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Tính ra lợi nhuận từ khu du lịch và heo rừng là 200 triệu/năm, con số này chú nói khiêm tốn với chúng tôi. Giải quyết được 10 lao động nhàn rỗi tại địa phương, với mức lương 1,5 triệu đồng.
Hiện trên địa bàn phường có trên 22 hộ nuôi heo rừng nhỏ lẻ, nông hộ không có vốn, chú cho mượn heo giống để nuôi. Tiến tới chú xây dựng và thành lập tổ hợp tác nuôi heo rừng, để cung cấp sản phẩm thịt heo rừng sạch cho siêu thị Metro và Coop Mart. Bình quân một tuần hai siêu thị này tiêu thụ trên 300 kg thịt heo, phải mất 600 kg heo thương phẩm, thịt heo của gia đình chú không đủ cung ứng.
Nhờ cần cù lao động, mà 3 năm liền, từ năm 2006 đến nay, gia đình chú đạt nhiều bằng khen của thành phố và quận về khu du lịch sinh thái. Nhìn dáng người chất phát như chú Hai Ký, đúng là một “lão nông tri điền’, đáng khâm phục.