Trong những ngày qua, giá lúa hè thu giảm mạnh tại Hậu Giang. “Cách đây gần 10 ngày, thương lái mua lúa tại ruộng với giá 4.200 đồng/kg nhưng hiện nay do trời mưa nên thương lái ép giá chỉ còn 3.700 đồng/kg” - ông Lê Thành Phận, nông dân ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp than thở. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá thành sản xuất lúa hè thu bình quân ở ĐBSCL là 3.993 đồng/kg, nếu tính thêm lợi nhuận tối thiểu 30%, nông dân phải bán lúa với giá 5.190 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần qua: “Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.300 đồng - 5.400 đồng/kg”. Xin lưu ý đây là giá “tại kho” mà VFA thông báo. Song thực tế, chẳng mấy doanh nghiệp mua lúa trực tiếp từ nông dân, mà chủ yếu mua gạo nguyên liệu thông qua thương lái. Vì thế, giá lúa VFA thông báo luôn cao hơn so với giá nông dân bán lúa tại ruộng! Đúng như dự đoán của nhiều người, việc thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo sẽ chẳng tạo ra “đột biến” về giá lúa hè thu!
Tuy nhiên, nhiều người đang đặt ra câu hỏi việc thu mua lúa đảm bảo nông dân đạt lợi nhuận tối thiểu 30% được tính từ đâu: tính giá bán tại ruộng, sân phơi lúa của nông dân, hay tính giá của thương lái mua lúa, xay xát bán gạo cho doanh nghiệp xuất khẩu? Thực tế, hiện nay nông dân bán lúa hè thu thường không đạt mức lợi nhuận tối thiểu 30%.
Dù biết nhà nước đứng ra mua tạm trữ lúa cho nông dân rất khó khăn do các điều kiện đòi hỏi như kho chứa, máy sấy lúa… nhưng nhiều lãnh đạo ở các tỉnh ĐBSCL vẫn kiến nghị nhà nước nên chủ động đảm trách việc mua dự trữ lúa gạo như một số nước trên thế giới đã làm!