Sau thành công từ việc nuôi thử nghiệm, mô hình nuôi nhông trên cát hứa hẹn mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho các hộ dân ở vùng cát Thăng Bình (Quảng Nam).
Đầu năm 2009, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Thăng Bình đã trực tiếp khảo sát, tham khảo các mô hình ở tỉnh Bình Thuận và đem giống về nuôi thử nghiệm ở địa phương. “Sau khi tham khảo, giống nhông mà chúng tôi mua về từ Bình Thuận không khác bao nhiêu so với các loại nhông sống hoang dã trên vùng cát ở nhiều địa phương của huyện. Điều này cho thấy, giống nhông này dễ thích ứng với môi trường sống mới, dễ nuôi, phù hợp với điều kiện của địa phương” - ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Thăng Bình cho biết.
Sau khi học hỏi kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nuôi nhông, tháng 4-2009, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Thăng Bình đã giao cho anh Nguyễn Hồng Anh và Nguyễn Văn Thông nuôi thử nghiệm ở gia đình anh Nguyễn Hồng Anh (tổ 2, thôn Tiên Đỏa, xã Bình Sa, Thăng Bình). Anh Nguyễn Xuân Bảy, cán bộ phụ trách nông nghiệp của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Thăng Bình (người trực tiếp tham khảo mô hình này ở Bình Thuận) cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn gia đình anh Nguyễn Hồng Anh xây dựng chuồng nuôi đúng kỹ thuật. Chuồng nuôi phải được bao quanh bằng tường cao 1,2 m, bên trên có viền trát hồ xi măng rộng khoảng 30 cm để nhông không thoát được ra ngoài”.
Được hỗ trợ 50% tiền giống, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật… sau khi nuôi thử nghiệm với 26 kg con nhông giống (250 nghìn đồng/kg) trên diện tích là 200 m2 chuồng, đến nay, sau 2 vụ xuất bán, anh Nguyễn Hồng Anh và anh Nguyễn Văn Thông đã thu được hơn 10 triệu đồng. Anh Thông cho biết, nhông là giống rất dễ nuôi, vì thế có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ sản xuất nông nghiệp như rau muống, bí đỏ hoặc các loại dưa… Điều đặc biệt, con vật này không bị dịch bệnh và chỉ sống trên mặt đất vào các tháng mùa khô, các tháng mùa mưa chúng ẩn vào hang nên ít tốn thức ăn.
Sau thành công từ mô hình thử nghiệm, đến nay, trên địa bàn huyện Thăng Bình có rất nhiều hộ dân đã chọn nuôi nhông kinh tế. Theo ông Lâm Văn Luận (tổ 4, thôn Ngọc Sơn, xã Bình Phục, Thăng Bình), trước đây, gia đình ông làm nhiều nghề, nhận thấy nuôi nhông ở hộ của anh Nguyễn Hồng Anh thu được kết quả tốt, lại phù hợp với vùng cát của gia đình nên ông đã quyết định đầu tư cho mô hình kinh tế này. “Tôi mua 400 con giống với số tiền gần 5 triệu đồng, xây chuồng trại hết hơn 10 triệu nữa. Vì là lần đầu tiên thả nuôi nhông nên mình phải học hỏi quy trình kỹ thuật từ nhiều người, hy vọng công việc thuận lợi. Nếu có sự khuyến khích từ ngành chức năng thì chúng tôi sẽ yên tâm hơn với phương thức làm kinh tế mới này” - ông Luận cho biết.
Hiện nay, trên thị trường, giá nhông đã tăng từ 250 nghìn đồng/kg lên 350 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn tỏ ra thận trọng khi nhân rộng mô hình nuôi nhông. Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Thăng Bình cho biết: “Mặc dù việc nuôi nhông thử nghiệm đã thu được kết quả như mong đợi nhưng đến nay chưa kiểm định sự chắc chắn của đầu ra sản phẩm. Chúng tôi chưa nhận được sự chỉ đạo nhân rộng mô hình kinh tế mới mẻ này”.
“Việc nuôi nhông trên cát đã triển khai ở địa phương hơn 1 năm nay và bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo cũng như kiểm định lại đầu ra của sản phẩm, nếu thực sự thuận lợi, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình kinh tế này” - ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình.