00:00 Số lượt truy cập: 2992167

Thu tiền tỷ nhờ trồng mai bán Tết 

Được đăng : 03/11/2016








Nghề cha truyền con nối

Dù đã qua tuổi 50, nhưng trông ông Năm Đông vẫn rắn chắc như một tráng niên. Xòe bàn tay đen sạm, đầy vết nứt, chỉ vào những nụ hoa mai đang dần hé nở đón Tết, ông cho biết: “Nhắc đến mai vàng trong những ngày Tết Nguyên đán ở Đông Nam Bộ, giới sành chơi không thể quên mai vàng Thủ Đức, gia đình nhà tôi đã 3 đời theo nghề này. Thời bố tôi chủ yếu trồng mai đất, năm hết, Tết đến mới bứng cả cây hoặc lựa chọn những cành có nụ kha khá, chặt đem vào nhà chưng hoặc đem bán. Thời gian sau, đời sống dân trí ngày càng phát triển, nên nhu cầu thưởng thức ngày càng cao, do đó cần phải ghép mai tạo dáng kiểng “bonsai” thật đẹp để đáp ứng nhu cầu chơi mai ngày Tết của người dân”.

“Tuổi thơ của tôi trôi theo những mùa hoa mai nở, phụ cha mẹ chăm sóc mai từ nhỏ nên ít nhiều cũng biết về nghề trồng mai. Năm 1984, khi tôi tròn 24 tuổi, với cách trồng truyền thống không đáp ứng thị hiếu giới sành chơi mai nên tôi đi khắp các nhà vườn, học lóm nghệ nhân ở khắp nơi và tìm mua vài gốc mai tai dão, mai trắng ban đầu, đem trồng quanh vườn, cứ thế nhân dần số lượng. Đến nay, trong vườn nhà tôi đã có trên vài ngàn gốc mai ghép”, Nghệ nhân Năm Đông tâm sự.

Kinh nghiệm trồng mai ghép

Gần 30 năm gắn bó với nghề trồng mai ghép đã giúp ông Năm Đông, từ một cậu bé nhà nông trở thành nghệ nhân giỏi về ghép mai. Dẫn chúng tôi tham quan quanh vườn, ông say sưa nói về kỹ thuật trồng mai. Theo ông, với nghề trồng mai ngoài có tay nghề, cần “yêu cây mai hơn yêu vợ”. Muốn mai tốt, ra hoa nhiều vào năm sau, phải chăm sóc mai ngay sau Tết. Qua rằm tháng giêng, cần đem mai ra ngoài trời, bắt đầu thực hiện các giai đoạn chăm sóc, tạo dáng. Muốn mai đẹp uyển chuyển, phải dùng kẽm, tạo dáng cong từ các cành. Từ tháng bảy âm lịch, không nên tỉa cành nếu không mai sẽ mất sức, không ra hoa. Nếu mai trồng trong chậu, mỗi năm nên thay đất một lần. Tùy vào vụ mùa cũng như thời tiết mà mai sẽ được bón phân, canh bông, lặt lá cho phù hợp... Nhất là dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, mai bán cho khách hàng Hà Nội thì cần lặt lá từ ngày 9/12 – 10/12 âm lịch, còn bán cho thị trường miền Nam thì lặt lá từ ngày 14/12 – 15/12 âm lịch. Thường xuyên chăm sóc cây mai, nếu thấy mai nở chậm, thì tưới phun sương nước vào các nụ, còn nở nhanh thì hãm nước (tưới ít) đem vào nhà lưới, tránh sương và có bóng mát cây mai sẽ nở đúng Tết. Đó là kinh nghiệm cho mai nở đúng Tết của ông Năm Đông.

Ông Đông cho biết, không ở đâu mai ghép có tiếng như mai ghép của các nghệ nhân ở làng mai Thủ Đức hiện giờ. Khác với các làng mai Cái Mơn (Bến Tre), An Nhơn (Bình Định), Phước Định (Vĩnh Long)… hoa mai Thủ Đức được ghép mắt, cắt bỏ các cành, nhờ cây đâm chồi bằng đầu đũa rồi mới ghép, tạo mai có dáng, thế bonsai thật đẹp, nhiều nụ và tuổi thọ cao.

Hứa hẹn những thành quả

Tết Nguyên đán Qúy Tỵ năm 2013 này, ông Năm Đông phấn khởi cho biết, mai vườn nhà ông đã có đơn đặt hàng và dự kiến sẽ bán cho khách Hà Nội khoảng vài trăm cây, còn lại thị trường TP. Hồ Chí Minh là chính. Dự kiến ông sẽ bán trên 1.200 gốc, với giá từ 500.000 - 10 triệu đồng/gốc, doanh thu có thể đạt cả chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động chăm sóc vườn mai.

Nghệ nhân Năm Đông còn được tiếng là người sống có nghĩa tình ở Thủ Đức. Hiện, ông đã mở một quán cơm tình thương tại đường Tô Ngọc Vân, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, với giá 2.000 đồng/suất ăn, bình quân mỗi ngày cung cấp khoảng 100 – 200 suất ăn tình thương. Ngoài ra, Tết Nguyên đán năm nào ông cũng dành một phần kinh phí tặng cho người nghèo trên địa bàn, khoảng 50 - 70 phần quà, thể hiện nghĩa cử cao đẹp “lá lành đùm lá rách”.