Theo ước tính của Cục Trồng trọt, hiện nhu cầu hạt giống lúa lai F1 cho sản xuất trong nước vào khoảng 15.000 - 18.000 tấn/năm, trong khi khả năng tự sản xuất của các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức 3.500 - 4.000 tấn, tương đương 24%. Lượng giống còn lại phải nhập ngoại trên 13.000 tấn/năm.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết: năm 2008, diện tích sản xuất hạt lai F1 đạt khoảng 1.200 ha, chỉ bằng 50% so với trung bình hàng năm, trong đó có đến 46/219 mẫu giống không đạt chuẩn, chiếm hơn 20%. Khó khăn lớn nhất trong việc sản xuất giống lúa lai hiện nay là Việt Nam vừa thiếu vừa không chủ động được nguồn giống bố mẹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc kinh doanh mua bán giống ở nước ngoài nhiều hơn tự tổ chức sản xuất ở trong nước. Để chuyên nghiệp hóa việc sản xuất hạt giống lúa lai, Cục Trồng trọt đề xuất tăng mức hỗ trợ thêm 1,5 - 2 lần cho các dự án khuyến nông về lúa lai, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ đầu tư sản xuất giống lúa lai chuyên nghiệp. Cục cũng đề nghị được lập các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và trang thiết bị cho một số vùng sản xuất lúa lai tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam, Thanh Hóa, Đăk Lăk...