Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Bùi Bá Bổng: "Diễn biến dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng xấu đi"
Được đăng : 03/11/2016
Đã có thêm một điểm tái phát dịch tại tỉnh Kiên Giang. Địa phương tái phát dịch là xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao - địa bàn giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu, như vậy, ngoài ổ dịch mới xuất hiện tại Kiên Giang, hiện tại đồng bằng sông Cửu Long đã có 40 xã, phường thuộc 15 huyện tại Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang tái phát dịch cúm gia cầm. Tổng số gia cầm bệnh bị tiêu huỷ lên tới hơn 42.400 con.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 9/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho rằng tình hình dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng xấu đi. Nếu theo diễn biến dịch như năm ngoái thì khoảng 1 tháng nữa toàn bộ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ tái phát dịch; 1,5 tháng nữa các tỉnh miền Bắc sẽ tái phát dịch và tình huống dịch cúm gia cầm lây lan ra toàn quốc hoàn toàn có thể xẩy ra. Năm nay, do chúng ta phát hiện sớm, ý thức người dân qua nhiều năm chống dịch cũng khá hơn, hiện Chính phủ đã cử 11 đoàn công tác kiểm tra việc phòng chống dịch ở các địa phương.
Phóng viên (PV): Tuy nhiên, hiện nay mặc dù đã có chỉ đạo khẩn trương tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nhưng ở nhiều địa phương việc tiêm phòng bổ sung vẫn rất chậm. Từ khi phát dịch đến nay đã gần một tháng, nhưng số gia cầm phải tiêm bổ sung vẫn chưa được tiêm phòng hết. Nguyên nhân do đâu, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Thực tế hiện nay chỉ có một số địa phương tích cực triển khai việc tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm như Đồng Tháp đã tiêm 800.000 liều, Bạc Liêu 300.000 liều... Nhiều địa phương vẫn không khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiêm phòng. Hiện Cục Thú y đã xuất hơn 4 triệu liều vắc-xin H5N1 cho các tỉnh. Việc cũng cấp vắc xin dựa trên yêu cầu và kế hoạch của các địa phương, song hiện nay rất nhiều địa phương thiếu vắc xin tiêm phòng cho gia cầm do công tác thống kê chưa chính xác số lượng gia cầm trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay lượng vắc xin còn lại vẫn đủ cung ứng cho nhu cầu tiêm phòng của các địa phương. Trong tháng 1/2007, Cục Thú y sẽ tiếp tục nhập thêm 250 triệu liều vắc xin tiêm phòng cho các loại gia cầm. Chúng tôi có thể khẳng định vắc xin không thiếu. Tuy nhiên, các địa phương cần thống kê đầy đủ số lượng gia cầm tại địa phương để nhanh chóng cung ứng đủ nguồn vắc xin tiêm phòng cho gia cầm.
PV: Công điện mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có điều chỉnh phạm vi tiêu huỷ gia cầm khi phát hiện dịch. Xin Thứ trưởng giải thích rõ hơn sự thay đổi này?
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Do năm nay chúng ta đã tiêm phòng cho đàn gia cầm nên trong việc chỉ đạo chống dịch Ban chỉ đạo cũng có một số điều chỉnh. Cụ thể là nếu phát hiện ổ dịch, sẽ không tiêu huỷ toàn bộ gia cầm tại thôn, ấp, làng đó như trước đây, mà chỉ tiêu huỷ gia cầm tại chính ổ dịch đó. Tuy nhiên thôn, ấp, làng đó được coi là vùng cách ly, cấm toàn bộ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm, đồng thời thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ vùng cách ly này. Còn vùng bán kính 3 km tính từ ổ dịch được gọi là vùng giám sát, không cấm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, tuy nhiên những hoạt động này phải có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.
PV: Vậy cơ chế hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có gia cầm bị tiêu huỷ có thay đổi gì không?
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Trong công điện của Chính phủ cũng đã nói, thực hiện hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có gia cầm bị tiêu huỷ theo cơ chế hiện hành. Như vậy, kinh phí hỗ trợ trung bình cho mỗi con gia cầm bị tiêu huỷ là 15.000 đồng và 3.000 đồng cho việc tiêu huỷ một con gia cầm. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cụ thể như gia cầm to hay nhỏ, gia cầm khai thác trứng hay thịt là do UBND tỉnh, thành phố quy định. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm yêu cầu các địa phương chủ động nguồn kinh phí, không nên chờ đợi việc phân bổ kinh phí hỗ trợ chống dịch từ Trung ương mà cần chủ động cân đối, sử dụng kinh phí kịp thời cho việc mua thuốc sát trùng, tiêm phòng bổ sung, trả công cho lực lượng chống dịch...để công tác phòng chống dịch được thực hiện kịp thời./.