00:00 Số lượt truy cập: 3071276

Thức ăn chăn nuôi với 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, trong 9 tháng đầu năm 2006, 249 nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đạt sản lượng trên 4,2 triệu tấn thức ăn công nghiệp (công suất thiết kế 7,6 triệu tấn), trị giá trên 17.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới trên 54,6% giá trị sản xuất (tương đương 9.300 tỷ đồng), trong đó riêng ngô và khô dầu đậu nành khoảng 1,2-1,3 triệu tấn.

Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, mất cân đối trong quy hoạch phát triển, hạn chế trong kiểm tra chất lượng thức ăn..., đang đặt ra cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi quá nhiều khó khăn để có thể phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên "sân chơi" WTO.

Cục phó Cục chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết, hiện nay, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ đáp ứng được 68-70% so với nhu cầu, số còn lại phải nhập từ nước ngoài (khoảng 20% nguyên liệu giàu năng lượng, 80% các loại thức ăn bổ sung, 60-70% thức ăn giàu đạm và hơn 90% chất phụ gia), chiếm 45% tổng giá trị nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Một trong những nguyên nhân được Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Nguyễn Bá Lịch đưa ra đó là thiếu khả năng thực hiện quy hoạch phát triển toàn diện các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho ngành thức ăn chăn nuôi.

Ông Lịch nêu thực trạng: "Với trên 1 triệu ha ngô nhưng năng suất chỉ đạt 3,6 tấn/ha (trong khi các nước phát triển đạt mức 5-6 tấn/ha) nên dù có sản lượng trên 3,6 triệu tấn ngô nhưng ngành thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn/năm (riêng năm 2006 là khoảng 500.000 tấn). Các nguyên liệu bột cá 60% đạm, vi khoáng, amino acid... các nhà sản xuất cũng phải nhập toàn bộ bởi trong nước không thể tự sản xuất".

Vì vậy, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10-20%.Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành thức ăn chăn nuôi thời gian qua cũng đi kèm với tồn tại trong công tác giám sát, kiểm định chất lượng.

Theo kết quả kiểm tra của Cục chăn nuôi trên 408 mẫu thức ăn chăn nuôi, trong đó 200 mẫu lấy ngẫu nhiên tại các nhà máy, cơ sở sản xuất thì có tới 116 mẫu không đạt tiêu chuẩn như đã công bố (chiếm 58%) và 208 mẫu lấy trên thị trường thì có 172 mẫu không đạt tiêu chuẩn như đã công bố (chiếm 82,7%). Chất lượng thức ăn không đạt yêu cầu nêu trên đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Mặc dù, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã có phòng phân tích chất lượng sản phẩm nhưng nhiều nơi chưa thực hiện chặt chẽ việc giám sát chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.Việc tập trung tại một số vùng nhất định cũng gây bất cập trong định hướng phát triển ngành thức ăn chăn nuôi trên phạm vi cả nước.

Thống kê của Cục chăn nuôi cho thấy, hiện miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là những nơi có chăn nuôi trang trại phát triển, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp lớn, đã thu hút được nhiều các nhà đầu tư về lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi (chiếm 78,8% với tổng công suất 6,04 triệu tấn/năm).

Còn ở những vùng Tây Bắc, Đông Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên có nhiều điều kiện sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đất đai rộng, có thể phát triển chăn nuôi mà ít gây ảnh hưởng môi trường, thì công suất các nhà máy ở các vùng này chỉ chiếm tương ứng là 0,4%; 0,9%; 1,3% và 1,4%.

Ông Hoàng Kim Giao cho rằng để khắc phục tình trạng mất cân bằng trên, cần phải có sự chỉ đạo trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chính sách đối với ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, để hàng hoá sản xuất ra phục vụ ngay trong vùng và tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, đồng thời giảm chi phí vận chuyển thức ăn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi.

Theo quy hoạch ngành thức ăn chăn nuôi, đến năm 2010 nhu cầu về thức ăn tinh cho ngành cần khoảng 18,6 triệu tấn và năm 2015 là 24,1 triệu tấn. Đến năm 2010, có 30% các sơ sở sở sản xuất thức ăn chăn nuôi áp dụng qui trình thực hành sản xuất tốt (GMP), 70% các cơ sở có phòng phân tích chất lượng sản phẩm, 100% nguyên liệu và sản phẩm phải được phân tích, kiểm tra chất lượng.

Vì vậy trong giai đoạn 2006-2015, Cục chăn nuôi sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể nhằm tạo đủ nguồn thức ăn giàu năng lượng như cám, gạo, ngô, sắn trong đó tập trung phát triển vùng nguyên liệu khô với những giống mới đạt năng suất bình quân 5-6 tấn/ha; chủ động khai thác tối đa nguồn nguyên liệu giàu đạm, đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất: hoá dược, khoáng, vi lượng, vi sinh, enzyme, công nghệ sinh học... tạo nguồn nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng loại thức ăn này trong chăn nuôi từ 38,9% lên 60%; có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trực tiếp ký hợp đồng với người nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trồng ngô, đậu tương, sắn... để có nguồn nguyên liệu ổn định và cam kết thu mua hết nguyên liệu cho người nông dân.