Phải có kho chứa và nhà máy xay xát
Theo Nghị định 109, trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực, thương nhân chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (gọi tắt là Giấy chứng nhận) do Bộ Công Thương cấp vẫn được tiếp tục xuất khẩu. Tuy nhiên, đến ngày 01/10/2011, nếu không có Giấy chứng nhận sẽ không được tham gia trong lĩnh vực này.
Muốn được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo, DN phải thỏa mãn các điều kiện sau: có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, phù hợp với quy chuẩn do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Nghị định cũng nêu rõ, kho chứa, cơ sở xay xát phải thuộc sở hữu của DN và nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố có lúa gạo hàng hoá xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế hoạt động xuất khẩu tại thời điểm DN đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Song song với đó, DN cũng phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà DN đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó. Chưa hết, khi đã có Giấy chứng nhận, DN cũng phải đáp ứng các tiêu chí: Hợp đồng xuất khẩu có giá không thấp hơn giá sàn gạo xuất khẩu được công bố; có sẵn lượng gạo ít nhất bằng 50% lượng gạo trong hợp đồng xuất khẩu đã ký, không bao gồm lượng gạo thường xuyên có để duy trì mức dự trữ lưu thông; phù hợp với hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung do Bộ Công Thương ban hành. Ngoài ra, DN còn có trách nhiệm thông báo với UBND tỉnh, thành phố các điểm thu mua lúa, gạo và công bố các điểm mua này để người dân biết; niêm yết giá mua theo chất lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hoá để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trực tiếp đến giao dịch,...
Doanh nghiệp nhỏ kêu khó
Trước quy định này, nhiều DN tỏ ra lo lắng, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đại diện Công ty TNHH Phước Thành 2 (Châu Thành - Tiền Giang) cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều tham gia ở khâu lau bóng gạo hoặc chỉ là các nhà máy xay xát lúa đơn thuần. Điều này cũng xuất phát từ thực tế: sản lượng lúa của Tiền Giang không lớn, vì vậy, với quy định như hiện nay, các DN buộc phải xây dựng thêm kho chứa lúa, đầu tư nhà máy xay xát. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vốn đầu tư, quản lý, lao động, nên bản thân DN không kham nổi. Nhiều DN kinh doanh XK gạo tỏ ra băn khoăn trước NĐ 109.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè -Tiền Giang) lại đặt vấn đề: Quy định là phải có kho chuyên dùng 5.000 tấn lúa nhưng có thể quy đổi ra kho chứa gạo được không? Bởi hầu hết DN kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều mua gạo nguyên liệu về lau bóng xuất khẩu chứ không mua lúa do hiệu quả kinh tế thấp hơn. “Nếu căn cứ theo tất cả các quy định mới của Nghị định 109 thì cả nước chỉ có khoảng 30 DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp, thay vì trên 200 DN tham gia như hiện nay”, ông Đôn dự đoán.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, việc đưa hoạt động xuất khẩu gạo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết trong giai đoạn này, khi mà hiện nay, nhiều DN vẫn làm ăn theo kiểu chụp giật, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, sẵn sàng bán phá giá nhằm xuất khẩu được số lượng nhiều, nhưng khi mua lúa gạo của nông dân thì ép xuống tận đáy.
Lợi ích người trồng lúa được đảm bảo
Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp cũng đồng tình với quy định DN phải có kho lúa, cơ sở xay xát mới được xuất khẩu gạo. Theo ông Dương, thời gian qua, rất nhiều DN “tay không bắt giặc”, thấy có ăn thì nhảy vào làm, ký được hợp đồng giá cao họ quay qua mua vét lúa gạo trên thị trường, gây biến động giá ảo. Khi giá giảm thì họ không tham gia xuất khẩu nữa, để mặc nông dân tự xoay xở đầu ra.
Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang, Nghị định 109 ra đời đã giải quyết được những bất cập trong kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian qua, đảm bảo được lợi ích của người trồng lúa, an ninh lương thực và nâng cao giá trị xuất khẩu. Chính vì vậy, khi thực hiện quy định mới, nếu DN không đủ các điều kiện theo quy định thì chấp nhận chỉ tham gia cung ứng lúa gạo xuất khẩu chứ không thể xuất khẩu trực tiếp. Thiết nghĩ, đó cũng là cách để lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lúa gạo.