00:00 Số lượt truy cập: 2669247

Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn 

Được đăng : 03/11/2016
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, bệnh chổi rồng trên nhãn lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam vào năm 2003 tại tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó, bệnh lây lan và hiện nay bệnh này xuất hiện và gây hại trên diện rộng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ với trên 20.000 ha nhãn bị nhiễm từ 10 - 80%. Bệnh gây hại trên các đọt non và hoa nhãn, tạo nên hiện tượng mọc thành chùm của lá hoặc hoa, giống như dạng “cây chổi”. Nguyên nhân gây bệnh bước đầu xác định do vi khuẩn gây hại và nhện lông nhung là môi giới truyền bệnh.

Do mức độ gây hại nghiêm trọng của bệnh chổi rồng trên nhãn hiện nay, cần thực hiện cấp bách các biện pháp phòng trừ hữu hiệu để bảo vệ sản xuất đối với cây nhãn là một loại cây ăn trái chủ lực của vùng cũng như thu nhập của nông dân, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện ngay một số công việc sau:

- Tổ chức điều tra, thống kê phân loại diện tích nhãn nhiễm bệnh chổi rồng trên địa bàn. Đối với địa phương có đủ điều kiện công bố dịch theo Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật thì tiến hành công bố.
- Vận động nông dân vệ sinh vườn cây, cắt bỏ và tiêu hủy cành bện, bón phân cân đối để cây tăng khả năng chống bệnh; phun xịt thuốc trừ nhện lông nhung sau khi cắt tỉa cành và ở giai đoạn cây ra đọt non và phân hóa hoa, việc sử dụng thuốc trừ nhện lông nhung theo hướng dẫn của Ngành bảo vệ thực vật. Điều lưu ý là việc vệ sinh vườn cây, cắt bỏ cành bệnh và phun xịt thuốc trừ nhện phải được chính quyền chỉ đạo tập trung để nông dân thực hiện đồng loạt thì phòng trừ bệnh mới hiệu quả.
- Không nhân giống từ cây đã bị bệnh.
- Ở nơi trồng nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng, có thể tái canh bằng cách cưa gốc để ghép nhãn xuồng cơ vàng (nhãn xuồng cơm vàng được ghi nhận kháng bệnh chổi rồng tốt hơn).
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho nông dân để giúp nông dân nhận biết bệnh và biện pháp phòng trừ.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân có diện tích nhãn bị thiệt hại do bệnh chổi rồng theo Quyết định số 42/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Thông tư số 39/2010/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các loại thiên tai, dịch bệnh được hỗ trợ.

Các Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp với các địa phương điều tra, xác định mức độ gây hại của bệnh trên toàn vùng; theo dõi diễn biến của bệnh; bố trí cán bộ tham gia phòng chống bệnh chổi rồng trên nhãn tại các vùng có nguy cơ cao. Phối hợp với các Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam xây dựng Quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn. Tổ chức tập huấn, phổ biến Quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn. Phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá giống nhãn chống chịu bệnh chổi rồng, hướng dẫn quy trình bón phân cho nhãn. Chỉ đạo các địa phương kiểm soát chất lượng cây giống từ các vườn nhân giống nhãn, triển khai các mô hình sản xuất nhãn tập trung theo VietGAP.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với cơ quan khuyến nông các cấp thông tin tuyên truyền, tập huấn nông dân và xây dựng mô hình khuyến nông về phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn. Các đơn vị khoa học tiếp tục nghiên cứu tác nhân và côn trùng môi giới truyền bệnh để bổ sung và hoàn thiện Quy trình phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn.