00:00 Số lượt truy cập: 3082045

Thực hiện chính sách tam nông, yếu tố con người là then chốt 

Được đăng : 03/11/2016
Không phải ngẫu nhiên một festival về lúa gạo lần đầu tiên của Việt Nam lại được tổ chức ở Hậu Giang. Bởi đây là một trong những địa phương có diện tích lúa lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là nơi xuất khẩu lúa gạo lớn đầu tiên của cả nước.

Nuôi trồng thủy sản, thế mạnh của Hậu Giang.

Tuy vậy, cuộc sống của người trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn do trình độ canh tác chưa cao, hệ thống hạ tầng thiếu và yếu. Chính vì vậy, tỉnh đã xác định việc thực hiện chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Trần Thành Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông Lập cho biết:

Ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, Tỉnh uỷ Hậu Giang đã xây dựng chương trình hành động, UBND tỉnh đề ra kế hoạch với những mục tiêu cụ thể đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 như: giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 7 - 7,5%/năm; giảm dần tỷ trọng trồng trọt trong kinh tế nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp; tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 76 triệu đồng/ha vào năm 2015 và 100 triệu đồng năm 2020; phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng điện đạt 90%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh 82%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc cải thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng, tích cực xây dựng các mô hình sản xuất mới để từng bước nâng cao đời sống nông dân.

Đâu là cơ sở để Hậu Giang tự tin sẽ đạt được những mục tiêu đó?

Hậu Giang vốn có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng vùng chuyên canh lúa, mía, cây ăn trái và thuỷ sản. Chính vì vậy, chúng tôi xác định phải bắt đầu từ nông nghiệp để nâng cao mức sống cho nông dân và xây dựng nông thôn mới hài hoà, bền vững.

Theo đó, chúng tôi xác định giữ diện tích canh tác lúa khoảng 80.000ha, ước tính sản lượng lúa năm 2009 đạt khoảng 1 triệu tấn (tăng 2,01% so với năm 2008). Năng suất lúa cả năm 5,3 tấn/ha. Thông qua việc đẩy mạnh xã hội hoá công tác sản xuất giống, toàn tỉnh đã hình thành 120 tổ, câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất giống cộng đồng, với diện tích 1.500ha, đáp ứng nhu cầu giống sản xuất cho gần 50% diện tích gieo trồng. Đặc biệt, chương trình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa được nông dân ủng hộ, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Với lợi thế về đất đai, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái như: bưởi Năm Roi Phú Hữu, xoài Ngã Bảy, cam Châu Thành, quýt đường Hậu Giang, khóm (dứa) Cầu Đúc... Từ những lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bà con nông dân từng bước áp dụng vào thực tế sản xuất, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đưa những giống cây - con có giá trị kinh tế cao và phù hợp với nhu cầu thị trường vào sản xuất.

Trong chăn nuôi, thay vì cách làm nhỏ lẻ, nhiều rủi ro trước đây, bà con bắt đầu xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường kiểm soát, từng bước thực hiện theo hướng chăn nuôi sạch.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2009 cũng tăng 1,07 lần so với năm 2008, đạt 13.000ha; sản lượng 53.000 tấn. Chúng tôi cũng đã tiến hành quy hoạch tổng thể ngành thuỷ sản đến năm 2020, xây dựng các mô hình nuôi thuỷ sản an toàn, chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện đang dần hình thành vùng nuôi cá tra tập trung ở huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy.

Để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, tỉnh đã ban hành những chính sách gì và ưu tiên đầu tư cho những hạng mục nào, thưa ông?

Chúng tôi xác định, trong sản xuất nông nghiệp, khâu cơ giới hoá là rất quan trọng, là tiền đề, nền tảng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Hỗ trợ cơ giới hoá thu hoạch lúa giai đoạn 2009 - 2012 với lãi suất ưu đãi 0% trong 3 năm để nông dân đầu tư trang bị máy gặt đập liên hợp. Hiện toàn tỉnh đã có 38 máy gặt liên hợp, đến cuối năm 2009 sẽ hỗ trợ nông dân mua thêm 100 máy, nâng diện tích thu hoạch bằng cơ giới từ 2% (năm 2008) lên 14% (năm 2009).

Có một việc chúng tôi cũng rất chú trọng, ưu tiên đầu tư là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, tỉnh đã mở được 72 lớp cho lao động nông thôn với số học viên 2.160 người, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 14,8%. Tỉnh cũng đã giải quyết việc làm cho 9.967 lao động.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đặc biệt ưu tiên cho công tác phát triển hạ tầng. ước tính, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2009 đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2008. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư. Về công tác thuỷ lợi, năm 2009 đã thực hiện đào đắp được 1.882.231m3; diện tích thuỷ lợi có đê bao khép kín phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt 118.000ha, chiếm 85%. Tỉnh cũng đã làm được 432,9km đường nhựa và bê-tông; 86,1km đường đá cấp phối; duy tu sửa chữa 299,2km; tổng kinh phí cho giao thông đạt gần 182 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 50,7%. Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 247 tuyến đường với 500km, 301 cầu; 519/523 ấp trong tỉnh đã có đường giao thông, 56/71 xã có đường ô tô đi được trong 2 mùa mưa nắng.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết “tam nông” nhưng trên thực tế, tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất?

Về cơ bản, Hậu Giang vẫn là tỉnh nghèo, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chất lượng nông sản hàng hoá thấp, giá thành sản xuất còn cao nên tính cạnh tranh và hiệu quả thấp; sản xuất nông nghiệp chưa thực sự gắn kết với phát triển công nghiệp, với chế biến và thị trường; phát triển kinh tế hợp tác còn nhiều hạn chế. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao; người dân sản xuất còn chạy theo lợi nhuận trước mắt nên chưa thực hiện theo định hướng quy hoạch chung của ngành. Cơ sở hạ tầng nông thôn tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu chuyển đổi, nhất là hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Việc tiếp cận vốn tín dụng cho đầu tư phát triển nông nghiệp, thuỷ sản, trang bị cơ giới hoá còn hạn chế. Nhưng theo tôi, thách thức lớn nhất vẫn là trình độ nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, dẫn đến việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng vào thực tế chậm, chưa nhanh nhạy với thị trường trong khi yêu cầu của sản xuất hàng hoá ngày càng cao.

Tỉnh đã có những giải pháp gì để khắc phục những thách thức đó, thưa ông?

Để hoá giải những thách thức đó, chúng tôi sẽ rà soát lại việc triển khai và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước từ năm 2000 đến nay như thuế, đất đai, đầu tư ngân sách, việc làm, chính sách tín dụng..., tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách mới hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung khai thác tốt tiềm năng nông nghiệp còn rất lớn của tỉnh, đặc biệt chú trọng đi vào chiều sâu chất lượng theo hướng GAP (sản xuất an toàn), gắn sản xuất với tiêu thụ để tạo sự ổn định cho nông dân. Tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vùng lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu cho lúa, thuỷ sản, cây ăn trái đặc sản; phát triển diện tích nuôi thuỷ sản theo quy hoạch, chú ý các đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng, cống dưới đê, tạo điều kiện đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất và kiểm soát lũ triệt để.

Để nâng cao trình độ cho nông dân, chúng tôi sẽ phát huy vai trò của lực lượng khuyến nông, đồng thời đào tạo và phát huy lực lượng nông dân giỏi trên địa bàn, coi đây là lực lượng nòng cốt hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến những nông dân khác. Triển khai xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng gắn kết các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản; thực hiện các chương trình lồng ghép dạy nghề, tập huấn khuyến nông, đào tạo bồi dưỡng doanh nhân nông thôn, cán bộ hợp tác xã với nội dung chủ yếu là đào tạo kỹ năng cho nông dân trong sinh hoạt cộng đồng, trong làm ăn hợp tác. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tập trung đầu tư cho nông thôn, đặc biệt chú ý xây dựng xã nông thôn mới. Trước mắt, Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất năm 2009 (diễn ra từ ngày 28/11 - 2/12/2009) được tổ chức tại Hậu Giang sẽ là cơ hội hiếm có để tôn vinh nền văn minh lúa nước; xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam; đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và là cơ hội để chúng tôi quảng bá những đặc sản của quê mình.

Trong việc thực hiện chính sách về “tam nông”, theo tôi, yếu tố con người là then chốt nhất, mọi mục tiêu, giải pháp cũng đều hướng đến nâng cao chất lượng sống cho nông dân. Vì vậy, chúng tôi xác định nâng cao nhận thức cho nông dân là yếu tố quyết định thắng lợi, bởi khi nhận thức thay đổi, mỗi con người sẽ tự xây dựng cho mình một cuộc sống mới, hạnh phúc, no ấm hơn.