00:00 Số lượt truy cập: 3193569

Thực hiện mô hình GlobalGap trên cây vú sữa lò rèn Vĩnh Kim cho thu nhập cao 

Được đăng : 03/11/2016

Đó là ông Lê Văn Đông ở ấp Long Trị, xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - người đã góp phần làm nên thương hiệu và đưa vú sữa lò rèn Vĩnh Kim vào hội nhập kinh tế thế giới.


Gia đình ông gồm có 4 nhân khẩu, có 11.500 m2 đất nối liền với nhà ở là vườn cây ăn trái. Năm 2003, ông chuyển đổi cây trồng từ cây có múi sang cây sầu riêng và cây vú sữa lò rèn Vĩnh Kim. Bước đầu cây sầu riêng và cây vú sữa còn nhỏ, ông tận dụng trồng xen những cây ngắn ngày để có thu nhập trong khi chờ cây chủ lực lớn và cho trái. Đến năm 2007, vườn cây nhà ông bắt đầu lớn và cho trái ổn định, doanh thu vào những năm này trung bình khoảng 150 triệu đồng mỗi năm. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận bình quân mỗi năm khoảng 70 triệu đồng. Do chi phí chăm sóc cao, đầu ra bị rớt giá, vào năm 2008 Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Tiền Giang phát động cho bà con nông dân thực hiện sản xuất theo chương trình GlobalGap trên cây vú sữa lò rèn. Các cơ quan của tỉnh hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, ông đăng ký và tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do Sở Khoa học Công nghệ tổ chức nhằm áp dụng có hiệu quả trên vườn cây ăn trái.

Ông chia sẻ, nông dân thực hiện chương trình GlobalGap là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Bởi lẽ phải làm theo qui trình, phải cập nhật sổ sách và những qui định nghiêm ngặt…, nhưng với sự giúp đỡ của Sở Khoa học Công nghệ và quyết tâm cao của bản thân, năm 2008 doanh thu và lợi nhuận của gia đình ông tăng cao. Từ đó ông vận động nhiều người tham gia học hỏi kinh nghiệm theo qui trình sản xuất mới, các phương pháp tỉa cành, tạo tán, bón phân, xịt thuốc, tỉa trái và bao trái, vệ sinh vườn cây, bảo vệ môi trường, sản xuất ra sản phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài nước, xuất khẩu đem lại kinh tế cao cho bà con nông dân. Thấy áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rất có hiệu quả, vì thế người dân ở các xã khác như Phú Phong; Kim Sơn; Hữu Đạo; Bình Trưng… đến học hỏi. Ông sẵn sàng chuyển giao để họ ứng dụng và đã mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu, đồng thời Sở Khoa học Công nghệ đăng ký thương hiệu vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh mà mảnh vườn nhà ông từ năm 2008 đến nay thu nhập từ 220 đến 400 triệu đồng mỗi năm. Tổng chi phí từ 30 - 65 triệu đồng, lợi nhuận bình quân mỗi nhân khẩu từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi năm.

Kinh tế khá giả, gia đình ông có điều kiện nuôi hai con học hành đến nơi đến chốn và chúng đã có việc làm ổn định. Gia đình ông luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương, tham gia đóng góp đầy đủ quỹ đền ơn đáp nghĩa và các công trình phúc lợi khác do địa phương đề ra.

Từ năm 2006 đến nay, ông được UBND tỉnh Tiền Giang tặng 6 Bằng khen về nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều giấy công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi do BCH Hội Nông dân tỉnh cấp, nhiều giấy khen của UBND huyện Châu Thành, trong đó có nhiều giấy khen đã đạt thành tích tốt trong xây dựng mô hình GlobalGap vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, góp phần đưa thương hiệu vú sữa lò rèn Vĩnh Kim vào hội nhập kinh tế thế giới./.