00:00 Số lượt truy cập: 3047923

Thuê ruộng trồng rau 

Được đăng : 03/11/2016
Tốc độ đô thị hoá lan nhanh, nhiều nghề mới hình thành khiến nhiều gia đình ở xã Niềm Xá, phường Kinh Bắc (TP Bắc Ninh - Bắc Ninh) không còn mặn mà với đồng ruộng. Nhìn những thửa ruộng bỏ hoang, “xót của”, anh Nguyễn Văn Đông nảy ý định thuê lại để trồng rau an toàn. Nhờ vậy, gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng /năm.

“Tấc đất tấc vàng”

Mỗi lần ra thăm đồng, anh Đông không khỏi xót xa khi thấy những mảnh ruộng một thời là cứu cánh của nhiều gia đình nay bị cỏ dại phủ. ở đó, chỉ duy nhất ruộng của gia đình anh là xanh tốt. Ban đầu, anh thuê ruộng của 2 gia đình bên cạnh để cỏ không lan sang ruộng nhà mình. Anh từ bỏ việc trồng các loại hoa màu như đỗ xanh, tương, lạc, chuyển sang thử nghiệm các loại rau an toàn. Để thực hiện được ý định đó, anh đến Vân Nội (Đông Anh – Hà Nội) tìm hiểu mô hình. Tuy nhiên, trồng rau trong nhà lưới đòi hỏi vốn lớn nên anh quyết định trồng rau an toàn... không nhà lưới.

Để nắm vững kỹ thuật, anh tìm đến Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh nhờ tư vấn. Tại đây, anh được các kỹ sư giới thiệu mô hình trồng rau an toàn bằng cách sử dụng hạt giống sạch bệnh đã qua kiểm nghiệm, chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học. Điều quan trọng là đảm bảo thời gian cách ly trước khi đưa ra thị trường. “Mùa nào thức nấy”, mùa đông trồng su hào, cải bắp, mùa hè trồng mồng tơi, đay, rau muống cạn... Ngay năm đầu “ra quân” anh thu nhập tương đối khá. Thấy rõ hiệu quả, năm 2003, anh mạnh dạn đến từng gia đình xin thuê lại ruộng. Các hộ đều đồng ý cho anh thuê với giá 80kg thóc /sào/năm và không quên khuyên anh “ruộng không “cày” nổi nên chúng tôi mới bỏ hoang, anh nên cân nhắc kỹ”.

Sau khi thuê được 20 sào (1 sào = 360m2) ruộng, anh bắt tay vào cải tạo với quyết tâm: biến đất hoang hoá thành nơi “đẻ trứng vàng”. Bước đầu, anh vay 50 triệu đồng đào ao, nhằm lấy nước phục vụ sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới, tiêu, kéo điện, xây chuồng chăn nuôi... Anh chia thành từng khu riêng biệt để phân loại rau. “Không có vốn nên tôi chủ yếu trồng các loại rau truyền thống để quay vòng nhanh” - anh Đông cho biết. Khi chưa tìm được mối hàng tiêu thụ, vợ anh thường mang ra chợ bán, tuy nhiên vì là rau an toàn, vốn đầu tư lớn nên rau của gia đình anh luôn đắt hơn các hàng khác nên bị khách chê. “Nhiều hôm phải đổ cho lợn hàng chục kilôgam. Vợ tôi nằng nặc đòi trồng rau theo phương pháp cũ nhưng tôi không nghe. Khi ấy, tôi phải làm công tác tư tưởng ghê lắm” - anh Đông nhớ lại. Suốt một thời gian dài, anh đến “biếu không” các nhà trẻ quanh vùng để chào hàng. Lâu dần, rau của tôi cũng được khách hàng chấp nhận. Đến nay, đã có 10 nhà trẻ đặt hàng thường xuyên” - anh Đông khoe.

Trồng rau trái vụ

Sau 5 năm học hỏi và tạo mối tiêu thụ, anh Đông nhận thấy thị trường rau sạch rất lớn, nhiều tiềm năng. “Nhiều cơ quan, xí nghiệp tới đặt hàng nhưng tôi đành từ chối vì không đáp ứng đủ số lượng mặc dù giá rau của tôi luôn cao hơn thị trường 1.000 - 1.500 đồng /kg”. Để nâng cao hiệu quả trên một diện tích canh tác, anh còn mạnh dạn trồng thử nghiệm các loại rau trái vụ. Vụ xuân hè năm 2007, anh trồng giống su hào Hàn Quốc. Đây là loại rau mềm, ngon, có thời gian sinh trưởng ngắn, sau 35 ngày đã cho thu hoạch và đặc biệt là ít bị sâu bệnh hơn so với các giống khác. Với giá bán 3.000 đồng /củ thì giá trị kinh tế đạt gần 6 triệu đồng /sào. Trung bình mỗi năm, gia đình anh cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn rau các loại, thu nhập trên 100 triệu đồng /năm.

Khu sản xuất rau an toàn của gia đình anh giờ đã trở thành điểm tham quan, học tập thường xuyên của nhiều địa phương trong tỉnh. Thời gian tới, anh có dự định thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất.