Đó là khẳng định của ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khi trao đổi với phóng viên báo Công Thương về thương hiều hồ tiêu Việt. Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã xuất khẩu được 104.786 tấn, trong đó tiêu đen đạt 87.838 tấn, tiêu trắng đạt 16.948 tấn. Tổng kim ngạch đạt 256 triệu USD tăng 47,5 % so với cùng kỳ năm 2008. Hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi… liên tục được mở rộng với sản lượng nhập khẩu liên tục tăng. Việc chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản này giúp Việt Nam vượt qua Ấn Độ, trở thành nước số một về xuất khẩu hồ tiêu. Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều vướng mắc về xây dựng thương hiệu. Thời gian qua, có hiện tượng một số nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn trên thế giới như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia nhập lại một lượng đáng kể tiêu của Việt Nam rồi tái xuất, nguyên nhân là do giá tiêu của Việt Nam thấp trong khi giá tiêu xuất khẩu của các nước này cao hơn của Việt Nam vài trăm USD/tấn. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ còn thiếu tính chủ động, do đó dẫn đến giá cả không ổn định. Điển hình là trong năm 2008, giá thị trường cung ứng hạt tiêu đen liên tục biến động từ 73.500 đồng/kg trong những tháng đầu năm, giảm dần còn 54.500 đồng/kg vào nửa năm, sang tháng đầu năm 2009 giá đã giảm xuống trên dưới 30.000 đồng/kg. Hiện nay dù giá đã tăng, song mức tăng không đáng là bao. Hồ tiêu Việt Nam đã có vị thế trên thị trường quốc tế nhưng trong 6 tỉnh trọng điểm sản xuất (Phú Quốc và các tỉnh Tây Nguyên) mới chỉ xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai). Đây là địa phương đầu tiên xây dựng được thương hiệu hồ tiêu và rất thành công, sản phẩm hồ tiêu Chư Sê ngày càng nổi tiếng trên thị trường thế giới với giá bán luôn cao hơn những địa phương khác từ 5% - 10%. Với mức giá như trên, lãi ròng khoảng 50% (năm 2008 lãi ròng 60%-70%). Theo ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê - sự kết hợp chặt chẽ giữa bà con nông dân, nhà khoa học và chính quyền đã đem lại hình ảnh mới cho hồ tiêu Chư Sê. Khi thương hiệu đã có và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngay lập tức các doanh nghiệp chế biến tiêu từ các tỉnh, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng tìm đến Chư Sê để ký hợp đồng mua tiêu nguyên liệu. Mới đây nhất là tổ chức Olam (tổ chức hàng đầu thế giới về kinh doanh hạt nông sản) đã đặt chi nhánh tại Chư Sê và sắp tới doanh nghiệp Đức sẽ đến đầu tư khu chế biến tiêu sạch, tiêu hữu cơ xuất khẩu... Để duy trì ngôi vị xuất khẩu số một, ổn định thị trường hồ tiêu thế giới là những mục tiêu mà ngành hồ tiêu Việt Nam đặt ra. Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu này cần nhanh chóng triển khai xây dựng thương hiệu cho những vùng hồ tiêu nổi tiếng như Lộc Ninh (Bình Phước), Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), Ehleo (Đăk Lăk), nhất là hồ tiêu Phú Quốc (Kiên Giang) mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng nông sản và thu nhập nông dân, tạo thế đứng bền vững cho hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. Thành công của Chư Sê là kinh nghiệm đáng quý trong việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho nhiều địa phương khác. Hiện nay, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Đăk Lăk... cũng bắt đầu tiến hành xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho địa phương. Tiến tới trong tương lai gần sẽ xây dựng thương hiệu quốc tế của hồ tiêu Việt Nam. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giao lưu hợp tác quốc tế xây dựng và thực hiện thành công các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia hàng năm như: tổ chức đoàn các doanh nghiệp, tiến hành khảo sát, hội chợ, diễn đàn, khai thác các thị trường nhập khẩu hồ tiêu, nhằm quảng bá hình ảnh, chất lượng của hồ tiêu Việt Nam đến cộng đồng quốc tế… là những bước đi tích cực, góp phần xây dựng thương hiệu chính thống cho hồ tiêu Việt Nam. |