00:00 Số lượt truy cập: 3193292

Tỉ phú trên đất nghèo 

Được đăng : 03/11/2016

Đó là anh Trần Văn Hùng, thương binh hạng 4/4, ở thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm (Phù Cát). Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang nằm giữa lòng trang trại, cách khá xa khu dân cư, anh Hùng cho biết: Những năm sau ngày giải phóng, nơi đây là vùng đất hoang hóa, bạc màu, khô cằn, sản xuất cây mì là chủ yếu nhưng năng suất rất thấp. Đời sống không chỉ riêng gia đình anh mà cả người dân ở đây đều rất khó khăn.


Năm 1995, huyện có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, vận động người dân khai hoang đất để trồng bạch đàn, điều, anh bàn với vợ bán 2 chỉ vàng kỷ niệm ngày cưới cùng 2 con bò là tài sản đáng giá nhất của gia đình và vay mượn thêm, tổng cộng khoảng 10 triệu đồng, đầu tư khai hoang trồng 7 ha bạch đàn và 5 ha điều. Trong những năm đầu anh thực hiện lấy ngắn nuôi dài, khi cây chưa khép tán anh trồng xen canh cây mì để tạo thêm thu nhập.

Từ suy nghĩ nuôi con gì, trồng cây gì cũng phải cho nó ăn thì nó mới mau lớn được, anh thử nghiệm bón phân, dọn sạch cỏ dại cho cây bạch đàn trên diện tích 2 ha. Hiệu quả khá rõ nên anh đầu tư bón phân cho toàn bộ diện tích còn lại, đồng thời mua máy cày để xới xáo làm sạch cỏ dại sau mỗi đợt bón phân. Nhờ đó chu kỳ khai thác bạch đàn của anh đã rút ngắn xuống còn 3 - 4 năm, giảm gần một nửa so với diện tích không được đầu tư phân bón.

Vừa chăm sóc diện tích cây trồng, vừa tiếp tục trồng mới, đồng thời tích lũy vốn để mua lại diện tích bạch đàn của các hộ khác, nên diện tích bạch đàn của anh hàng năm không ngừng được mở rộng. Đến nay, toàn bộ diện tích trang trại của anh đã lên đến 105 ha, là trang trại có quy mô diện tích lớn nhất huyện Phù Cát.

Ngoài việc phát triển kinh tế trang trại, anh Hùng còn kinh doanh mua bán bạch đàn cả trong và ngoài tỉnh, tổng doanh thu hàng năm trên 3 tỉ đồng. Anh đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động ở địa phương với mức tiền công hàng tháng gần 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ về cách làm ăn, kỹ thuậtsản xuất, chăn nuôi... cho những gia đình khó khăn ở địa phương.