Trả lời báo giới, ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá từng nói rằng, quá trình dồn điền đổi thửa thực ra chỉ là tiền tích tụ ruộng đất, hay nói cách khác là “đêm trước” của quá trình này. Không thể phủ nhận những thành quả to lớn mà dồn điền đổi thửa mang lại. Nhưng thực tế đây chỉ là bước khởi đầu của một hành trình gian nan. Thành quả Thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho thấy sự manh mún đã làm giảm 2,4 – 4% diện tích đất nông nghiệp. Đơn cử như tại Hưng Yên, sau khi dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đất nông nghiệp đã tăng lên 4% (tương đương 3.309ha). Ngoài ra, ruộng đất manh mún còn làm tăng chi phí lao động, hạn chế khả năng đầu tư và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hạn chế khả năng cơ giới hoá nông nghiệp... Có lẽ vì những lợi ích mà DĐĐT mang lại nên ngay khi Nhà nước có chủ trương, các địa phương đã đồng loạt hưởng ứng. Bắc Ninh được đánh giá là một trong số các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đạt được nhiều thành quả trong công tác này. Ngay sau khi Tỉnh uỷ Bắc Ninh có nghị quyết về DĐĐT năm 2001, 4 huyện trong tỉnh đã thực hiện việc tích tụ ruộng đất theo kiểu rũ rối toàn bộ diện tích đất canh tác, quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất, sau đó xây dựng lại toàn bộ hệ thống hạ tầng tiến tới kiên cố hoá kênh mương tự chảy và kéo điện ra đồng... Hiện toàn tỉnh đã chuyển 2.500ha ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản, đưa diện tích mặt nước nuôi thả lên 5.220ha; hình thành 13 vùng sản xuất lúa hàng hoá với quy mô 50-100ha/vùng; 24 vùng sản xuất khoai tây, 26 vùng rau xuất khẩu và một số vùng chuyên trồng hoa - cây cảnh. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Bắc Ninh là tỉnh về sớm nhất Đồng bằng sông Hồng trong việc dồn đổi đất đai. Điều này được lý giải bởi 2 lẽ: Phần lớn nông dân đều bức xúc về diện tích đất manh mún và sẵn sàng dồn đổi; các cấp lãnh đạo tỉnh cũng nhận thức rõ vấn đề và dám làm, dám chịu. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 8 năm triển khai công tác DĐĐT, mới chỉ có hai tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Hồng là Bắc Ninh và Hà Nam cơ bản khắc phục tình trạng manh mún về đất đai. Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng khẳng định: “DĐĐT không chỉ giúp quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thuận lợi mà còn giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng hiện nay việc thực hiện quá chậm, không theo kịp yêu cầu phát triển nông nghiệp trong tình hình mới”. Theo thống kê của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Đồng bằng sông Hồng vẫn là vùng có mức độ ruộng đất manh mún nhất cả nước. Khu vực này hiện có 26.353.080 thửa ruộng chia cho 2.815.934 hộ, trung bình mỗi hộ gần 9,4 thửa. Đi tìm nguyên nhân Theo lý giải của nhiều địa phương, một trong những khó khăn lớn nhất khiến việc DĐĐT bị chậm trễ là thiếu kinh phí đo đạc. Trung bình mỗi hécta mất từ 4-11 triệu đồng, vì vậy không ít địa phương đã phải bán một phần đất công ích lấy kinh phí. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp tính toán, để hoàn thành công tác DĐĐT, Đồng bằng sông Hồng phải mất hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, phải kể đến tâm lý của người nông dân. Đơn cử như tại xã Hòa Châu (Hòa Vang – TP. Đà Nẵng), dù từ chính quyền đến người dân đều nhận thức được lợi ích to lớn của quá trình DĐĐT nhưng khi triển khai lại gặp rào cản từ chính người nông dân. Tư tưởng bằng lòng với những gì đã có và chấp nhận khó khăn nảy sinh trong sản xuất đã “bám rễ” trong suy nghĩ của nhiều người nên bà con ngại thay đổi. Tăng cường công tác tuyên truyền Từ thực tế của những mô hình, muốn DĐĐT thành công, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của việc DĐĐT, đồng tình và tự nguyện tham gia là nhiệm vụ hàng đầu. DĐĐT phải gắn liền với công tác quy hoạch; từng địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá. Cần có chủ trương và sự chỉ đạo thống nhất của các cấp chính quyền, tạo hành lang pháp lý và có chính sách hỗ trợ để xây dựng các mô hình trình diễn về DĐĐT. Xây dựng các chính sách hỗ trợ trước và sau DĐĐT, giúp bà con tổ chức sản xuất tốt hơn, có thu nhập cao hơn. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo triển khai việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông dân sau khi DĐĐT. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho rằng, DĐĐT thực chất không phải là tích tụ ruộng đất nhưng lại là “bước đệm” để có thể tiến tới tích tụ ruộng đất thành công. Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này nhưng rõ ràng đó là sự manh nha của quá trình tích tụ ruộng đất và điều đó, chắc chắn sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, như một quy luật của tự nhiên.
|