00:00 Số lượt truy cập: 2669091

Tiềm năng lớn từ thực phẩm biến đổi Gen 

Được đăng : 03/11/2016
Thực phẩm biến đổi gen (GMO) vẫn luôn là đề tài nhạy cảm, không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý mà cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Báo chí cũng đã tiêu tốn không ít giấy mực bởi những băn khoăn, tranh cãi về việc lợi hay hại, có nên mở cửa cho loại thực phẩm này vào thị trường nước ta?...

Từ đầu những năm 1980, hàng loạt các dược phẩm như insulin, hormon sinh trưởng ở người đã được thương mại hóa nhờ việc sử dụng vi sinh vật chuyển gen. Hiện nay, trên 20% dược phẩm được sản xuất ra là nhờ kỹ thuật gen vi sinh vật. Sau đó, các nhà khoa học đã tìm các phương pháp chuyển gen một cách hiệu quả vào nhiều loài động, thực vật, gọi là sinh vật chuyển gen. Công nghệ gen ra đời đã góp phần tạo cuộc cách mạng trong nông nghiệp: tạo được giống cây trồng - vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt theo ý muốn.

Công nghệ gen còn tạo ra những kết quả kỳ diệu như khoai tây không bị úng thối; rau xanh có thể tươi lâu hơn; ngô kháng bệnh sâu sớm; lúa giàu dinh dưỡng, kháng bệnh và chịu đất chua mặn; cây trồng chứa nhiều protein, giàu lisin, metionin, tryptophan...

Công nghệ gen đang và sẽ là một tác nhân tích cực trong việc hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học trong trồng trọt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cân bằng hệ sinh thái; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho toàn cầu, nhất là trong tương lai gần, khi dân số thế giới lên tới khoảng 9 tỷ người vào năm 2020.

Từ năm 1996-2004, tổng diện tích cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu là 385 triệu hecta, được trồng ở 21 quốc gia. Từ năm 1996-2005, diện tích đất trồng cây biến đổi gen đã tăng đáng kể, đạt 950 triệu hecta với hàng tỷ tấn sản phẩm được tiêu thụ.

Tuy nhiên, người ta vẫn còn nhiều nghi ngờ về những nguy cơ của loại thực phẩm này như dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Song thực tế là ngay cả thực phẩm truyền thống cũng có thể gây dị ứng với cơ địa của một số người. Vấn đề là chúng ta cần xem xét thận trọng, ước tính nguy cơ từng trường hợp cụ thể để có biện pháp khắc phục và loại bỏ.

Công nghệ biến đổi gen là một trong những đỉnh cao trong công nghệ sinh học (CNSH), mỗi quốc gia đều phấn đấu chiếm lĩnh nó. Ngay từ năm 1994, Chính phủ đã có nghị định về CNSH. Tháng 3/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về phát triển, nghiên cứu và ứng dụng CNSH, trong đó có công nghệ biến đổi gen.

Năm 2001, Chính phủ đầu tư 3 đề tài nghiên cứu sinh vật biến đổi gen, liên quan đến nhiều cây trồng như lúa, bắp cải, ngô, đu đủ, hoa. Một số phòng thí nghiệm được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, những thành công mới chỉ đạt ở mức quy mô thí nghiệm hoặc thực nghiệm.

Trước những bức xúc của việc quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen theo Quyết định số 212/2005/QĐ-TTg ngày 26/8/2005. Quy chế ban hành nhằm điều chỉnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khảo nghiệm; sản xuất, kinh doanh, sử dụng; nhập khẩu, xuất khẩu, lưu giữ vận chuyển; đánh giá quản lý rủi ro và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các sinh vật biến đổi gen, sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen; xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề này để có cơ sở pháp lý cần thiết. Do vậy, có thể khẳng định, chúng ta có đầy đủ khả năng và điều kiện thiết lập một hệ thống các nguyên tắc, quy chế và bước đi thích hợp quản lý an toàn sinh học đối với vật thể biến đổi gen, sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen, đồng thời nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học và sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị để thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.