Năm 2002, sau khi có hệ thống ô bao khép kín, anh Tâm mạnh dạn đốn 4 công nhãn tiêu huế hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng 120 gốc sầu riêng hạt lép giống Ri 6 và Monthong. Sau 5 năm, vườn sầu riêng cho thu nhập ổn định. Theo anh nếu để sầu riêng ra hoa mùa thuận, hàng dội chợ, bán giá không cao, thông qua tập huấn khuyến nông và học tập các mô hình sản xuất đạt hiệu quả ở địa phương, anh Tâm chủ động xử lý cho cây ra hoa trái vụ bằng cách: Khoảng tháng 7 âm lịch khi cây ra cơi đọt thứ 3 lá chuyển sang lụa, anh dùng màng nylon phủ kín gốc, điều tiết nước cạn trong mương, phun thuốc kích thích giúp cây ra hoa, khoảng 30-45 ngày cây nhú mầm hoa, anh dỡ màng nylon ra tưới nước, bón phân giúp hoa phát triển, gần 2 tháng hoa sổ nhụy, dùng chổi nylon quét những chùm bông đã nở thụ phấn nhân tạo, giúp cây tăng tỉ lệ đậu trái và cho trái tròn. Khi trái lớn bằng cái ly, loại bỏ những trái đèo, méo và cho cây mang trái vừa phải.
Anh cho biết: Sau khi thu hoạch xong vụ sầu riêng, tỉa bỏ chồi, cành vô hiệu, bón thúc phân, chú trọng bón nhiều phân chuồng và cho cây ngưng mang trái 1 năm, nhằm giúp cây phục hồi tốt. Mỗi năm anh luân phiên xử lý 50% diện tích sầu riêng ra hoa trái vụ, với cách làm này vườn sầu riêng của anh phát triển xanh tốt, hạn chế suy cây và bệnh xì mủ trên cây sầu riêng; năng suất đạt 25 tấn/ha, giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 300 triệu đồng/ha. Với những kinh nghiệm tích lũy được, anh sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân địa phương cùng xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ, nâng cao hiệu quả vườn chuyên canh. Qua tích lũy, anh sang thêm 2 công vườn, tiếp tục chuyên canh cây sầu riêng và xây dựng nhà ở khang trang, đủ tiện nghi.
Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng đúng các qui trình kỹ thuật canh tác, anh Nguyễn Văn Tâm đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguyễn Thảo