00:00 Số lượt truy cập: 2669845

Tiền Giang: Kiện tướng trồng lúa chất lượng cao 

Được đăng : 03/11/2016
Ông Phạm Duy Khương, một lão nông tri điền năm nay 66 tuổi ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy lâu nay được mọi người tôn vinh là kiện tướng trồng lúa chất lượng cao.


Nói về con đường làm giàu của mình, ông Khương cho biết, gia đình ban đầu chỉ có 5 công đất ruộng biền do cha mẹ để lại. Thạnh Lộc, nơi ông ở vốn nằm trong vùng Đồng Tháp Mười nhiễm phèn nặng, canh tác khó khăn, trồng lúa một vụ năm được năm mất, cực khổ trăm bề. Nhưng không nản chí, ông Khương tìm cách cải tạo đất đai, đào kênh mương xổ xả phèn, thâm canh, tăng vụ. Để đạt mục tiêu, ông Khương luôn tìm cách tiếp cận với khoa học kỹ thuật nông nghiệp, thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông, thay đổi cơ cấu giống lúa mùa địa phương năng suất bấp bênh bằng các giống lúa phẩm chất cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu... Ngoài ra, ông còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp tăng thêm thu nhập.

Xác định hướng đi đúng cùng tính cần cù, chịu khó đã đưa ông Phạm Duy Khương đến thành công. Cứ sau mỗi vụ lúa bội thu ông lại tích lũy tậu thêm ruộng mở rộng quỹ đất sản xuất của mình. Kết quả sau hơn chục năm nỗ lực lớn ông đã có trong tay 6 ha đất trồng lúa chất lượng cao mỗi năm hai vụ. Đây cũng là trang trại trồng lúa lớn nhất vùng Đồng Tháp Mười chuyên sâu vào các giống lúa đang được thị trường xuất khẩu hết sức ưa chuộng như: MTL 250, Jasmine, IR64, OM 3536... Nhờ tổ chức sản xuất theo một qui trình kỹ thuật nghiêm ngặt kiểu ba giảm ba tăng tiên tiến, tuân thủ đúng lịch thời vụ...nên trà lúa của ông thời gian qua luôn tránh được tai họa sâu bệnh phá hại, đặc biệt là vàng lùn, lùn xoắn lá và rầy nâu. Trung bình mỗi năm ông đạt năng suất 16,5 tấn/ha đất canh tác. Nếu tính cả các nguồn kinh tế phụ ngoài lúa như: Chăn nuôi, cày xới thuê... gia đình ông Phạm Duy Khương thu nhập trên 100 triệu đồng chưa kể giải quyết thêm công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho vài chục lao động tại chỗ. Bản thân ông hàng năm tích cực đóng góp xây dựng cầu đường, giúp đỡ hộ nghèo tại địa phương. Trong năm 2006, thông qua sự giúp đỡ của ông đã có 2 hộ khó khăn trong xóm ấp được công nhận thoát nghèo.

Kinh nghiệm mà ông Khương đúc kết được là nhà nông ngày nay phải biết tổ chức sản xuất một cách khoa học, hướng tới nhu cầu thị trường, tạo ra những nông sản hàng hóa chất lượng cao./.