00:00 Số lượt truy cập: 3193379

Tiền Giang: Người nuôi dê thành công ở cù lao Lợi Quan 

Được đăng : 03/11/2016

Anh Nguyễn Văn Hoàng (34 tuổi) ở xã Phú Đông, thuộc vùng cù lao Lợi Quan (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đang là điển hình nuôi dê nái sinh sản và dê thịt của địa phương.


Trước khi bắt tay vào chăn nuôi, anh đã chuẩn bị đủ kiến thức cơ bản, bằng cách: dự các lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình chăn nuôi dê do Trạm Khuyến nông huyện Gò Công Đông tổ chức ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh, vốn có phong trào nuôi dê rất phát triển; cùng phương thức mua bán thịt dê ở thành phố Mỹ Tho và thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2006, anh quyết định chọn con dê là vật nuôi chính của gia đình, bởi vốn đầu tư ban đầu thấp. Vả lại, dê sinh sản nhanh và thức ăn dễ tìm. Ngoài ra, nuôi dê ít bị bệnh và thích nghi với thời tiết khắc nghiệt của địa phương (mùa nắng không có bóng cây và mùa mưa các con đường đều lầy lội), sản phẩm thịt dê luôn có thị trường ổn định. Con giống được anh chọn là dê sinh sản tại địa phương, do chúng thích nghi với điều kiện khí hậu và thức ăn tại chỗ. Quá trình nuôi, anh tuyển lựa con giống mau lớn, to con, dễ sinh sản và cố gắng không để bệnh trùng huyết. Hiện đàn dê anh lên đến 300 con. Do có công lao động và tận dụng thời gian nông nhàn, anh chọn phương thức nuôi bán chăn thả trên diện tích đất gần 4.000m2, chung quanh trồng các loại cỏ voi, cỏ sả và so đũa; đồng thời, anh còn trồng cỏ xen với đất vườn để chủ động nguồn thức ăn cho đàn dê.

Anh Hoàng cho biết, kinh nghiệm nuôi dê nái sinh sản và dê thịt, ngoài thức ăn thô, cần bổ sung thức ăn hỗn hợp cám và chất khoáng nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của dê. Trong phòng chống bệnh cho dê, anh tiêm vắcxin tụ huyết trùng và bệnh lở mồm long móng để đảm bảo cho đàn dê được an toàn. Ngoài ra, theo định kỳ, anh tẩy giun và sán cho đàn dê hai lần/năm. Phân dê được anh thu gom vào hố ủ, được sử dụng lại cho đồng cỏ và các loại cây trồng khác. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đàn dê của anh phát triển tốt, dê nái đẻ bình quân 1,6 lứa/năm. Nếu dê đực, sau 8 tháng nuôi, anh bán được 1 triệu đồng/con; còn dê nái, anh bán 2 triệu đồng/con. Hiện đàn dê của anh cho lãi không dưới 130 triệu đồng/năm. Đây là khoản thu không nhỏ so với gia đình nông dân, nhất là đối với cù lao Lợi Quan cách trở sông nước. Ngoài ra, anh Hoàng còn tham gia câu lạc bộ Khuyến nông xã Phú Đông và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, bán chịu con giống với giá rẻ; đồng thời, giúp đỡ 10 hộ gia đình gặp khó khăn mua chịu 60 con dê để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Ngô Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đông (huyện Gò Đông Đông) cho biết, anh Nguyễn Văn Hoàng là một điển hình về làm giàu trên vùng đất mới, khó khăn đến mức khắc nghiệt như ở vùng cù lao Lợi Quan. Chẳng những anh làm giàu cho riêng mình mà còn giúp đỡ bao cảnh nhiều người, nhờ nuôi dê. Đồng thời, trong tình hình dịch lợn tai xanh và cúm gia cầm hoành hành, dê có giá, khiến con vật này trở nên thịnh hành hơn./.