00:00 Số lượt truy cập: 2999198

Tiên phong chè sạch 

Được đăng : 03/11/2016

Cây chè ở Lâm Đồng đã tồn tại và phát triển hơn 80 năm, là loại cây chủ lực của vùng “cao nguyên xanh” với diện tích trồng chuyên canh lớn nhất cả nước. Đặc biệt, chương trình sản xuất NNCNC đang triển khai rộng rãi trên nhiều loại chè cao sản tạo ra một cuộc “cách mạng” về giống cũng như thương hiệu về sản phẩm chè chất lượng cao…


ĐƯA CƠ GIỚI HÓA VÀO SẢN XUẤT CHÈ

Về tới vùng “thủ đô trà” Bảo Lộc, phóng tầm mắt trên các đồi chè chỉ thấy một màu xanh ngắt trải rộng mênh mông. Đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những người dân xứ chè đang cặm cụi chăm sóc hái, tỉa để tạo ra những sản phẩm trà với thương hiệu nổi tiếng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hướng dẫn chúng tôi ra thăm vùng chè nguyên liệu của Cty CP Chè Minh Rồng, ông Nguyễn Hữu Giảng, cán bộ kỹ thuật, Chủ nhiệm Dự án xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn tại huyện Bảo Lâm, phấn khởi tâm sự: “Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hái đã giảm hơn 50% chi phí nhân công. Đồng thời giúp người trồng chè thu lãi gần 41 triệu đồng/ha/năm”. Theo ông Giảng, dự án do Cty CP Chè Minh Rồng thực hiện từ tháng 7/2010. Sau một năm triển khai, Dự án đã mang lại kết quả rất khả quan và được Sở NN-PTNT kiểm tra, thẩm định đủ điều kiện sản xuất chè an toàn.

Theo ghi nhận thực tế, Cty CP Chè Minh Rồng đã chọn 7 hộ nông dân (hộ có diện tích chè lớn) để giao khoán thử nghiệm 5 ha chè. Các nông hộ nhận khoán phải thiết kế lại vườn chè, như sửa đốn mặt tán, cành biên… để tiến hành áp dụng công nghệ mới thu hái chè bằng máy. Trong suốt quá trình canh tác, người nông dân phải tiến hành cày cuốc, kết hợp bón phân lân, phân hữu cơ sinh học và phân vô cơ (theo đúng quy trình tỷ lệ và liều lượng cho phép). Đồng thời, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, chỉ phun thuốc BVTV khi cần thiết và đảm bảo đúng thời gian cách ly trước khi thu hái.

Ngoài việc áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP, dự án này còn sử dụng cơ giới trong khâu thu hái chè búp tươi. Ông Giảng cho biết: “Về kỹ thuật thu hái chè bằng cơ giới, công ty đã tập huấn rất kỹ cho bà con để đảm bảo búp chè đạt được sự đồng đều, cũng như tránh làm hư hại cho cây chè”. Tuy nhiên, theo ông Giảng, nhược điểm của việc thu hái chè bằng máy là tỷ lệ lẫn lá già, lá vụn, cỏ dại… luôn cao hơn so với thu hái thông thường. Do đó, để nâng cao chất lượng nguyên liệu chè khi thu hái, nên thiết kế chiều dài hàng chè không quá 50m và thường xuyên làm sạch cỏ, không để cỏ cao hơn mặt tán chè.

Hiện Cty CP Chè Minh Rồng đã xây dựng được vùng nguyên liệu chè với tổng diện tích gần 400 ha, với sản lượng chè thành phẩm khoảng 1.500 tấn/năm. Tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 20% nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy nên vẫn phải thu mua thêm nguyên liệu từ các hộ dân địa phương. Từ 5 ha chè thử nghiệm thành công, đến nay Công ty Chè Minh Rồng đã nhân rộng mô hình lên 90 ha chè an toàn; trong đó có 40 ha chất lượng rất cao để chế biến chè Ô long. Trong năm 2012, Công ty sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên 50 ha chè cao sản; đồng thời ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tưới, bón phân nhỏ giọt, triển khai mở rộng đại trà cơ giới hóa trong khâu thu hoạch.

Hiện tại, Công ty CP Chè Minh Rồng đã đầu tư 18 máy hái chè với chi phí 380 triệu đồng (trong đó, nguồn vốn khoa học công nghệ hỗ trợ 100 triệu đồng). Ngoài việc nhân rộng tại Công ty, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục đánh giá, nghiệm thu đề tài để có thể chuyển giao cho ngành nông nghiệp nhân rộng.

CHÈ GLOBALGAP

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm này, diện tích chè Lâm Đồng hiện có khoảng trên 26.000 ha; trong đó có gần 4.900 ha chè công nghệ cao (gồm hơn 2.570 ha chè cao sản, còn lại là chè chất lượng cao) với hơn 3.450 ha được trồng trong vùng quy hoạch. Để xây dựng nguồn nguyên liệu chè CLC đảm bảo cung ứng cho các DN, nông dân khu vực chuyên canh đang ứng dụng phổ biến công nghệ cao vào sản xuất. Hiện toàn tỉnh có 20 tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích trên 110 ha.

Công ty Chè Phương Nam (Bảo Lộc) là DN đầu tiên đạt chứng nhận các chương trình an toàn sản xuất và VSATTP từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Để đạt được điều này, Cty đã phối hợp với một số nông hộ ở địa phương xây dựng vùng nguyên liệu chè CLC theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 50 ha. Sản phẩm trà Ô long của Phương Nam hiện đang xuất khẩu sang nhiều nước, vùng lãnh thổ như Singapore, Đài Loan, Trung Đông và luôn được khách hàng đánh giá cao.

 Bên cạnh đó, TP. Bảo Lộc hiện cũng đang tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè theo hướng GAP với quy mô 100 ha tại xã Lộc Thành. Việc đầu tư sản xuất vùng nguyên liệu chè theo hướng sản xuất chè cao sản, chè chất lượng cao theo hướng tập trung đã góp phần mang lại cho người trồng chè ở Lâm Đồng nguồn thu ngày càng cao, đồng thời đảm bảo vùng nguyên liệu an toàn, bền vững cho các DN sản xuất chế biến các sản phẩm trà cao cấp, phục vụ tốt cho thị trường xuất khẩu.

Theo định hướng quy hoạch “Vùng sản xuất rau và chè tập trung tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010-2020” có diện tích 40.374 ha gồm 13.174 ha sản xuất rau an toàn tập trung tại Đà Lạt (2.000 ha), Lạc Dương (674 ha), Đơn Dương (4.500 ha) và Đức Trọng (6.000 ha); Vùng sản xuất chè an toàn tập trung với 27.200 ha tại Đà Lạt (500 ha), Di Linh (1.200 ha), Bảo Lộc (8.500 ha), Bảo Lâm (16.000 ha) và Lâm Hà (1.000 ha).

Quy hoạch này nhằm mục tiêu xác định quy mô diện tích, xây dựng phương án và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững vùng sản xuất chè và rau an toàn tập trung… nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm; góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.

Từ ưu điểm vượt trội của việc sản xuất chè theo hướng cao sản, CLC, thời gian qua địa phương này đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích các cơ sở, DN tham gia vào chương trình sản xuất NNCNC. Đồng thời khuyến khích các DN đầu tư máy móc, nhập các loại giống mới và tìm kiếm mở rộng thị trường, làm đầu tàu để kéo phong trào trồng chè chất lượng cao, chè cao sản ở địa phương ngày càng phát triển.

Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh có 22 DN nước ngoài và 11 DN trong nước đầu tư sản xuất chè trong vùng quy hoạch, với tổng diện tích gần 1.400 ha, đồng thời thực hiện việc bao tiêu nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu trà, góp phần tạo bước đột phá trong việc phát triển vùng nguyên liệu chè cao sản, chất lượng cao theo quy hoạch.

Trao đổi với PV NNVN, ông Phạm Văn Án - GĐ Sở NNN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Để đạt được kết quả đó, ngành nông nghiệp đã tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án cùng địa bàn đầu tư trên để thực hiện mục tiêu quy hoạch, bao gồm các chương trình chuyển đổi cơ cấu, chất lượng giống cây trồng, chương trình khuyến nông, các dự án phát triển nông thôn miền núi, dự án phát triển chè và cây ăn trái do ADB tài trợ...

Đồng thời chủ động tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của nông dân trong việc sản xuất chè cao sản, CLC đã góp phần tăng giá trị sản xuất; tăng sản lượng, chất lượng chè CLC để đưa vào sản xuất chế biến, đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; đồng thời tạo mối liên kết giữa DN chế biến và tiêu thụ với người trồng chè.