Sở NN&PTNT đã có tờ trình gửi UBND thành phố xin phê duyệt Chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Theo đó, mục tiêu của chương trình này là tiến tới xóa bỏ toàn bộ nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi không hợp vệ sinh; tiến tới toàn bộ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Nước chưa sạch, môi trường còn bẩn
Hà Nội sau khi hợp nhất có 88,3% diện tích và 63,5% dân số sống tại khu vực nông thôn. Năm 2008, toàn thành phố có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 30% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn 09 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, do khó khăn trong việc khai thác nguồn nước nên còn nhiều hộ dân chưa có công trình cấp nước hợp vệ sinh như các xã nghèo vùng núi, vùng nước lợ và các xã đồng bào dân tộc. Ngoài ra, mức độ ô nhiễm nguồn nước ngầm trong thời gian gần đây ngày càng gia tăng. Ngoài các chất ô nhiễm phổ biến như sắt, mangan thì hiện tượng ô nhiễm amoni và asen trong nước ngầm đã xuất hiện và đang ở mức báo động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Đối với vệ sinh môi trường, mặc dù đã được đầu tư triển khai một số chương trình bảo vệ môi trường nông thôn như chương trình xây dựng hầm biogas, công trình xử lý nước thải, chương trình xây dựng hệ thống tiêu thoát nước, thu gom xử lý rác thải và đầu tư một số khu sản xuất làng nghề tập trung, song vì chưa tương xứng với tốc độ phát triển dẫn đến quá trình ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn diễn ra ngày càng nặng hơn. Tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 53% số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh, 51% chuồng trại chăn nuôi có xử lý chất thải; 1,5% số làng nghề có xử lý chất thải và 60% số xã có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt. Mặc khác, tốc độ đô thị hóa, xây dựng các cụm công nghiệp ngày càng phát triển nhanh, sản xuất làng nghề ngày càng mở rộng về quy mô và số lượng; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô hộ gia đình, trang trại vừa và nhỏ sẽ tiếp tục đưa ra môi trường một lượng lớn chất thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Tiến tới toàn bộ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch
Đó là ý kiến của ông Trần Xuân Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT tại hội nghị báo cáo đề án nước sạch với thành phố, ngày hôm qua (11/2). Theo ông Việt thì hiện nay, toàn thành phố vẫn còn 70% dân số nông thôn chưa được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn; 95% hộ chăn nuôi chưa có hầm biogas; hầu hết các làng nghề đều ô nhiễm; 83% lượng rác thải chưa được thu gom xử lý… Để góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho nông nghiệp nông thôn Thủ đô phát triển bền vững, Sở NN&PTNT đã xây dựng chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong giai đoạn tới.
Theo đó, từ nay đến năm 2015, thành phố phấn đấu 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 85% số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% chuồng trại chăn nuôi có giải pháp xử lý phân và chất thải… Giai đoạn từ 2016 - 2020, thành phố phấn đấu hầu hết dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ các hệ thống cấp nước tập trung đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Về vệ sinh môi trường, 100% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% chuồng trại chăn nuôi có giải pháp xử lý chất thải. Cũng theo chương trình này, thành phố sẽ xây dựng 70 cụm sản xuất làng nghề có xử lý chất thải và 70% các xã có tổ chức thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các chương trình dài hơi thì trước mắt, Sở NN&PTNT và các ngành liên quan cần có giải pháp giúp người dân ở các vùng nông thôn như: có phương án hỗ trợ người dân xử lý nước giếng khoan, thu gom xử lý rác thải và giải quyết vấn đề môi trường làng nghề tại các địa phương.