Dự báo giá cả, cung cầu một số mặt hàng nông sản quan trọng
Giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng, nguồn cung khan hiếm
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, hiện tại giá xuất khẩu hồ tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 2.000 USD/tấn, tăng hơn 500 USD/tấn so với hồi tháng 7/2006. Trong nước, các doanh nghiệp thu mua hạt tiêu đen giá trung bình 31.500 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá bình quân năm 2005. Tại một số địa phương, giá tiêu đã vượt mức 40.000 đồng/kg. Riêng tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang giá hồ tiêu thậm chí đã lên tới 52.000 đồng/kg và là mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Giá hồ tiêu tăng do nguồn cung của Việt Nam- nước xuất khẩu chiếm 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thế giới- đang khan dần trong khi nhu cầu trên thế giới lại tăng mạnh. Giá hạt tiêu thế giới bắt đầu tăng từ đầu tháng 7, đặc biệt mạnh trong tháng 9 do nhu cầu tăng, nhất là hạt tiêu chất lượng cao, trong khi nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Chỉ trong vòng một tháng, giá đã tăng trên 30% và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu vẫn rất cao. Tại Việt Nam, hiện chỉ còn chưa đến 20.000 tấn hạt tiêu dự trữ và khả năng mức dự trữ sẽ còn giảm hơn nữa. Đây là lý do để Việt Nam nâng mức chào bán hạt tiêu lên giá 2.946 USD/tấn và dự báo giá sẽ tiếp tục tăng hơn nữa trong những ngày tới. Vụ mùa hạt tiêu chính của Việt Nam cho thu hoạch vào khoảng tháng 4-8 và chỉ có một ít được thu hoạch vào tháng 2/2007, dự báo phải đến lúc đó giá hạt tiêu mới giảm xuống.
Theo VPA, tình trạng khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu vẫn đang tăng cao sẽ giữ cho giá hạt tiêu tăng ít nhất từ nay tới cuối năm. Dù giá đang cao nhưng theo khuyến cáo của Cộng đồng hồ tiêu quốc tế, nông dân không nên mở rộng diện tích trồng tiêu để tránh xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu, khiến cho giá tiêu lại rớt xuống thấp như cũ.
Giá đường sẽ giảm tiếp nhưng không nhiều
Từ cuối tháng 9 đến nay, tuy nhu cầu tiêu thụ đường kính tại thị trường trong nước tăng cao nhưng do nguồn cung đường dồi dào và các nhà máy điều chỉnh giảm giá bán buôn từ 600- 800 đ/kg nên giá đường kính tiếp tục giảm tại nhiều nơi. Hiện giá bán buôn đường tại các trung tâm trung bình như sau: đường kính trắng 7.800-8.100 đ/kg, đường tinh luyện 9.000- 9.800 đ/kg, đường vàng 7.500-8.000 đ/kg, giá bán lẻ đường kính Biên Hoà 10.500-12.000 đ/kg.
Theo Cục xúc tiến Thương mại- Bộ Thương mại, giá đường trong nước giảm do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do nguồn cung trong nước giảm, niên vụ 2005- 2006 cả nước ước đạt sản lượng mía 13,5 triệu tấn, tổng sản lượng đường đạt khoảng 970.000 tấn (trong đó đường công nghiệp là 754.200 tấn), thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 300.000- 350.000 tấn. Thứ hai, do chịu sức ép mạnh của nạn đường nhập lậu giá thấp. Thứ ba, do ảnh hưởng của giá đường trên thế giới. Trong mấy tháng qua, giá đường trên thế giới đã giảm do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu- nhất là của Trung Quốc- lại giảm mạnh. Cuối tháng 9 vừa qua, giá đường xuống tới mức thấp nhất trong vòng 9 tháng với đường trắng giá 334 USD/tấn, trong khi đường thô giá 11,55 US cent/lb.
Tổ chức đường thế giới (ISO) vừa dự đoán, giá đường thô trung bình cuối năm 2006 sẽ giảm 9% so với mức hiện nay, trong khi giá đường trắng ước giảm 7% so với mức cao đạt được ngày 6/7. Tại trong nước, dự kiến những tháng cuối năm tuy nhu cầu tiêu thụ đường kính tăng nhưng các tỉnh bước vào thu hoạch rộ vụ mía đường 2006/07 với sản lượng đường cung ứng trên 200.000 tấn và giá thu mua nguyên liệu mía khả năng sẽ thấp hơn so với vụ trước. Các biện pháp chống buôn lậu cũng được các bộ, ngành cấp tập đưa ra và siết chặt trong những tháng cuối năm. Đây là những nguyên nhân sẽ khiến cho giá đường kính vẫn tiếp tục chiều hướng giảm nhưng mức giảm không nhiều.
Gạo xuất khẩu tiếp tục giữ giá cao
Tuần qua, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam tiếp tục được chào bán ở mức 272-274 USD/tấn, ngang với mức giá tuần trước và cao hơn gần 7% so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Các chuyên gia trong ngành dự báo giá gạo Việt Nam tiếp tục đứng ở mức cao cho đến tháng 3/07 do thời tiết diễn biến bất thường khiến nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đã phải điều chỉnh giảm dự báo sản lượng thóc toàn cầu năm 2006 xuống 635 triệu tấn, thấp hơn 2 triệu tấn so với dự báo trước. Sản lượng thóc của Việt Nam trong năm tới dự báo cũng sẽ giảm nhẹ xuống 35-36 triệu tấn.
Ngoài các khách hàng truyền thống như Philippin, Cuba, Indonesia, Malaysia, các nước ở Trung Đông và châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam.