00:00 Số lượt truy cập: 3080847

Tiêu được giá, nông dân vẫn không vui 

Được đăng : 03/11/2016
Phải gần một tháng nữa nông dân huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) mới bắt đầu vào thu hoạch tiêu niên vụ 2009 - 2010. Thị trường tiêu cũng đã “nóng” dần. Tuy nhiên, thời điểm này, người trồng tiêu Phú Quốc được hưởng lợi quá ít do tiêu cất trữ trong dân không còn nhiều.

Nông dân huyện đảo Phú Quốc đang tích cực phục hồi diện tích tiêu.

Đã gần một tháng nay, giá hạt tiêu nông dân bán ra tại Phú Quốc dao động từ 45.000 - 47.000 đồng/kg, tăng 13.000 - 15.000 đồng/kg so với thời điểm cuối vụ thu hoạch trước. Giá hạt tiêu tăng trở lại đã thắp lên hy vọng cho bà con trong mùa thu hoạch tới. Vì ở thời điểm này, tuy giá có tăng cao nhưng lượng hạt tiêu cất trữ trong dân còn rất ít. Đa số bà con đã bán sản phẩm ngay sau khi kết thúc mùa vụ để trang trải cuộc sống, trả nợ ngân hàng hoặc phục vụ tái đầu tư sản xuất. Chị Đặng Thị Hồng, người trồng tiêu ở ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương (huyện Phú Quốc) cho biết, vụ mùa trước 1.500 bụi tiêu của chị cho thu hoạch 2 tấn, song do khó khăn chị đã phải bán hết sau khi kết thúc mùa vụ, giá bán ở thời điểm đó chỉ được 30.000 đồng/kg.

Theo tính toán của người trồng tiêu, ở thời điểm hiện nay, tuy giá có tăng cao, song nông dân vẫn chưa có lời. Mấy năm gần đây, giá tiêu hạt bấp bênh, gây khó khăn cho bà con nông dân do không có điều kiện tái đầu tư sản xuất, khiến nhiều vườn tiêu xơ xác, cho năng suất thấp. Trong lúc các chi phí như vật tư, phân bón, nhiên liệu, nhất là giá thuê mướn nhân công tăng cao. Vì vậy, để nghề trồng tiêu phát triển bền vững, Nhà nước nên có chính sách đầu tư vốn ưu đãi dài hạn, giúp nông dân có điều kiện cải tạo vườn; ổn định thị trường và tìm kiếm đầu ra.

Tiêu là đặc sản nổi tiếng của Phú Quốc đang góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế của huyện đảo. Hiện Phú Quốc có khoảng 470ha tiêu, tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. Vụ mùa năm nay sản lượng tiêu ước đạt 1.200 tấn. Với giá tiêu hạt đang có chiều hướng tăng như hiện nay, nhiều nông dân đang có ý định phục hồi vườn tiêu để bảo tồn đặc sản truyền thống. Nhưng cũng chỉ trồng với quy mô nhỏ để thay thế các vườn tiêu bị lão hóa, không có ý định mở rộng sản xuất đại trà. Hồ tiêu Phú Quốc là đặc sản của đảo nên không thể thiếu trong chương trình phát triển du lịch. Vì vậy, dù khó khăn đến mấy nông dân cũng không thể bỏ hẳn mà phải giữ gìn sản phẩm truyền thống cho đảo.

Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc cho biết: “Chúng tôi đã có định hướng giữ vững nghề trồng tiêu truyền thống trên đảo với diện tích ổn định khoảng 500ha. Bên cạnh đó, để nông dân có điều kiện chăm sóc, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, vừa phục vụ phát triển du lịch vừa xuất khẩu, chúng tôi đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang xây dựng chương trình nghiên cứu đầu tư cho tiêu. Cụ thể là xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tiêu Phú Quốc, triển khai dự án nghiên cứu quy trình sản xuất cây tiêu theo tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, đầu tư giống năng suất cao và bổ sung kỹ thuật trồng mới cho bà con để góp phần ổn định tình hình sản xuất. Quy trình này đã được thực hiện xong giai đoạn I, thời gian nghiên cứu kéo dài trong 3 năm, kết thúc vào cuối năm 2011, từ đó sẽ đúc kết lại để đưa ra quy trình chuẩn cho bà con thực hiện.

Hy vọng khi quy trình được thực hiện thành công, nông dân sẽ có điều kiện phát triển vườn tiêu năng suất và chất lượng cao, sản phẩm tiêu Phú Quốc sẽ được xuất khẩu bằng chính cái tên của mình thay vì phải nhờ thương hiệu khác.