00:00 Số lượt truy cập: 3077931

Tiêu huỷ ngay ổ dịch lợn tai xanh nhỏ lẻ 

Được đăng : 03/11/2016
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm chiều 10/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhắc lại chủ trương trong việc phòng, chống bệnh lợn tai xanh là không tiêu huỷ tràn lan lợn mắc bệnh. Nhưng với những tỉnh có dịch nhỏ lẻ, số lượng lợn mắc bệnh ít (chỉ từ vài chục đến hai, ba trăm con) thì cần tập trung tiêu huỷ hết ngay để tránh dịch lây lan.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm, chỉ riêng 2 tuần qua (28/7-10/8), toàn quốc có thêm 167 xã thuộc 22 huyện của 7 tỉnh là Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hoà, Đắc Lắc và Hậu Giang phát sinh các ổ dịch lợn tai xanh.

Như vậy, không kể đợt dịch thứ nhất xảy ra tại 16 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đợt dịch thứ 2 này, toàn quốc ghi nhận các ổ dịch tai xanh tại 239 xã, phường, thị trấn của 48 quận, huyện thuộc 15 tỉnh, thành gồm: Sóc Trăng, Quảng Trị, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hoà, Đắc Lắc và Hậu Giang. Tổng số lợn mắc bệnh là 80.070 con trong tổng đàn 105.067 con, trong đó gần 23.000 con bị chết và tiêu huỷ.

Theo ông Năm, diễn biến dịch tai xanh tại các tỉnh miền Nam đang hết sức phức tạp. Dịch tai xanh tại Sóc Trăng, Tiền Giang và Đắc Lắc đã xảy ra trên diện rộng và đang diễn biến xấu. Tại Sóc Trăng, tính từ ngày 26/7 – 5/8, dịch đã xảy ra ở 458 hộ, 61 xã, phường thuộc 9/11 huyện, thị làm hơn 3340 con mắc bệnh.

Tại Đắc Lắc, dịch cũng đã xảy ra ở 32 xã thuộc 2 huyện Krông Păk, EaKar và thành phố Buôn Ma Thuột, tổng số lợn mắc là hơn 29.000 con.

Còn tỉnh Tiền Giang, từ khi xuất hiện dịch (20/6) đến nay, dịch đã xảy ra 124 xã, phường, thị trấn của 10/10 huyện, thị. Với hơn 35.000 con lợn mắc bệnh, hơn 14700 con bị chết và tiêu huỷ, tỉnh Tiền Giang đang là tỉnh có số lợn mắc và tiêu huỷ nhiều nhất.

Các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Nai các ổ dịch đang được kiểm soát.

Trong khi đó, tại các tỉnh miền Bắc dịch tai xanh đã tạm thời được khống chế, hầu hết các tỉnh đã công bố bãi bỏ dịch. Tuy nhiên, Cao Bằng dịch lại lây lan sang 17/21 xã của huyện Trùng Khánh. Còn Nghệ An cũng vẫn còn 6 xã của huyện Yên Thành và 1 trại giống Thái Dương của huyện Đô Lương có dịch.

Về tình hình dịch thời gian tới, Cục Thú y nhận định, do công tác giám sát, phát hiện dịch chậm, nhiều hộ chăn nuôi đã bán chạy lợn mắc bệnh. Hơn nữa do tính chất nguy hiểm của dịch, kết hợp với điều kiện thời tiết thuận lợi cho vi rút tồn tại và phát tán nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan rộng trong các tỉnh có dịch và xuất hiện ở các tỉnh khác trong cùng khu vực là rất cao.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhắc lại chủ trương của Bộ là không tiêu huỷ tràn lan lợn mắc bệnh. Tuy nhiên với những tỉnh có dịch nhỏ lẻ, số lượng lợn mắc bệnh ít (chỉ từ vài chục đến hai, ba trăm con) như Khánh Hoà, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Nai, Bình Phước thì cần tập trung tiêu huỷ hết ngay để tránh dịch lây lan.

Thứ trưởng Tần cũng đề nghị Cục Thú y tăng cường hết lực lượng nhằm phối hợp với chính quyền các tỉnh để thường xuyên nhắc nhở các địa phương phòng chống dịch. Viện Thú y, Viện Chăn nuôi vào cuộc cùng Cục Thú y phối hợp nghiên cứu để đề ra biện pháp hữu hiệu phòng chống bệnh.