00:00 Số lượt truy cập: 2999813

Tìm hướng ra cho giống khoai lang Nhật 

Được đăng : 03/11/2016

Qua một thời gian đưa vào trồng thử nghiệm giống khoai lang Nhật Bản tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho thấy đây là giống cây trồng có hiệu quả kinh tế, cho năng suất cao, ổn định và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Tuy nhiên, hiện tại nông dân chỉ tiêu thụ sản phẩm trong nội địa và chưa mạnh dạn mở rộng diện tích vì chưa tìm được đầu ra.


 * Khoai lang Nhật – cây trồng kinh tế cao
Đầu năm 2008, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Kỹ sư Trịnh Việt Nga làm chủ nhiệm đưa các giống khoai lang Nhật chất lượng cao vào trồng tại 3 xã Xuân Hòa, Xuân Tâm, Xuân Trường (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai). Khoai được trồng trên diện tích ban đầu là 70 ha bằng các kỹ thuật nuôi cấy đỉnh sinh trưởng kết hợp xử lý nhiệt để tạo ra cây khoai lang sạch bệnh, bảo tồn nguồn gen khoai lang tốt bằng nuôi cấy mô, từ đó nhân giống khoai lang ra đồng ruộng nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dâ n. C ác chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào khoai lang sẽ góp phần quản lý tốt nguồn gen, cung ứng trong một thời gian xác định theo hợp đồng số lượng cây đúng giống, đồng đều và sạch bệnh để trồng trên quy mô công nghiệp làm nguồn nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thay vì dùng phương pháp cũ là đi thu mua cây giống trong dân.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc: s au gần 3 năm thực hiện, các giống khoai lang Nhật theo Dự án “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất khoai lang Nhật tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai”, được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tuyển chọn đều sinh trưởng, phát triển và cho năng suất ổn định qua nhiều vụ. Riêng vụ Đông Xuân 2010 – 2011, do thời tiết có nhiều bất thường, trời mưa làm ngập úng ở giai đoạn mới xuống giống, tuy nhiên cây khoai lang Nhật vẫn phát triển tốt, đặc biệt là giống khoai lang nuôi cấy mô tỷ lệ sống 97%, năng suất của loại 1 đạt từ 50 – 57,8%, so với trồng mì và bắp thì nông dân lãi 3 - 3,5 triệu/vụ/1000 m2.
Những nông dân tham gia trồng khoai lang Nhật thí điểm cho biết: trồng khoai lang không tốn nhiều công sức và vật tư, giá khoai lang Nhật cao hơn nhiều so với khoai lang bình thường, dao động từ 5.500 đến 9.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Chỉ có giai đoạn thu hoạch cần nhiều nhân công để thu hoạch khoai cho kịp mùa vụ, tránh bọ hà tấn công, bởi bọ hà cũng là một khó khăn gây thiệt hại, tổn thất lớn cho người dân nếu không thu hoạch kịp thời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc thì đã có cách xử lý bẫy pheromon để diệt bọ hà.
* Lo ngại đầu ra, diện tích thu hẹp
Bà Lê Thị Hiệp – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho hay, sản phẩm khoai lang Nhật cho năng suất cao, phù hợp với vùng đất xám bạc màu của 3 xã Xuân Hòa, Xuân Tâm và Xuân Trường. Khoai lang là giống cây không chịu nhiều nước nên chỉ trồng được 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng chỉ là sản phẩm nội địa chứ chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa để xuất khẩu.
Theo ông Thái Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa: giống khoai lang Nhật được đưa vào trồng tại địa phương từ đầu năm 2008 với diện tích trên 30 ha, năng suất bình quân 15 – 20 tấn/ha/vụ, cao hơn 40% so với trồng giống khoai lang thường của địa phương. Tuy nhiên sản phẩm chỉ tiêu thụ trong địa phương và bán ở một số chợ vùng nông thôn. Đó là lý do khiến nhiều hộ nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi. Nếu ký kết được hợp đồng với một số siêu thị hay công ty thu mua chế biến khoai lang củ thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều.
Anh Nguyễn Thanh Dũng, cán bộ phụ trách kinh tế xã Xuân Hòa cho biết một thực tế: “Năm 2009, tại địa phương có 3 hộ nông dân trồng thí điểm khoai lang tím bằng hom sạch (1.000 – 2.000 m2/hộ) nhưng kết quả không như mong muốn vì tại Xuân Hòa hiện chưa có hệ thống thủy lợi, đặc biệt là vụ Đông Xuân nguồn nước tưới bị hạn chế, tạo điều kiện cho côn trùng và bọ hà phát triển. Do đó, sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ trong gia đình, phục vụ chăn nuôi nhỏ lẻ và nhiều hộ đã “rút lui” và chuyển sang trồng khoai mì. Vì vậy, diện tích trồng khoai lang ngày càng bị thu hẹp.”
Một trong những hộ tham gia trồng khoai lang Nhật, ông Võ Giới ở ấp 3, xã Xuân Tâm cho biết: gia đình ông tham gia trồng khoai lang Nhật từ năm 2008, nhận thấy giống cây này rất phù hợp với vùng đất xám bạc màu tại địa phương. Theo ông, giống khoai lang Nhật rất được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là loại khoai lang Nhật vàng nhưng rất khó trồng do sùng hà dễ tấn công nên năng suất không cao như hai loại Nhật tím và Nhật đỏ, nếu không xử lý kịp và đúng thời điểm sẽ lan ra thành dịch, coi như mất trắng. Ông Giới tính toán: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển giống cây này nếu có đầu ra ổn định, còn nếu đầu ra vẫn cứ “bí” thì sẽ thái lát phơi khô tiêu thụ trong gia đình hoặc bán cho các cơ sở chăn nuôi gia súc".
* Phát triển thành vùng chuyên canh trồng khoai lang
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc: sản xuất khoai lang Nhật tại huyện đem lại hiệu quả kinh tế cao do năng suất ổn định và chất lượng củ tốt. Vấn đề còn lại là đầu ra và giá của sản phẩm. Từ sau giải phóng năm 1975, Xuân Lộc là vùng đất chuyên trồng khoai lang, khoai lang như là cây lương thực chính của người dân nhưng sau đó không còn được ưa chuộng nữa. Khoai lang Nhật cũng là loại cây đáp ứng nhu cầu hiện tại của thị trường, hợp thị hiếu cả trong nước và xuất khẩu, đem lại giá trị dinh dưỡng nên sẽ rất có tiềm năng trong tương lai. Đây còn là giống cây cạn rất phù hợp để đưa xuống đồng ruộng nhằm giảm lượng nước tưới, rất phù hợp với địa hình thổ nhưỡng huyện, nhất là vùng đất của xã Xuân Hòa.
Tuy nhiên, muốn Xuân Lộc trở thành một vùng đất chuyên canh trồng cây khoai lang Nhật thì phải thêm một thời gian nữa. Kỹ sư Trịnh Việt Nga – Chủ nhiệm Dự án “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất khoai lang Nhật" cho biết: dự án đã được triển khai thành công tại địa bàn Xuân Lộc, Đồng Nai, vấn đề đặt ra là đầu ra của sản phẩm. Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam đang có hướng hỗ trợ để người dân “an tâm” về đầu ra, tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng cao với số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu.
Khoai lang Nhật là giống cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất Xuân Lộc (Đồng Nai). Do đó, để sản phẩm khoai lang thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa thế mạnh của địa phương cần có sự chung tay của nhiều ngành, giúp người nông dân tăng thu nhập, tạo việc làm trên chính mảnh đất của mình ./.