00:00 Số lượt truy cập: 3074919

Tìm ra nguyên nhân lúa mùa trỗ sớm 

Được đăng : 03/11/2016
Như KTNT có bài phản ánh, trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng lúa mùa trỗ sớm bất thường ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương và mới đây lại xuất hiện ở Phổ Yên- Thái Nguyên gây hoang mang, lo lắng cho bà con nông dân.

Ngay sau khi các cơ quan báo chí đưa tin, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện KHNN Việt Nam (VAAS) đã cử một số chuyên gia giàu kinh nghiệm về cây lúa xuống trực tiếp phối hợp với cán bộ các địa phương nghiên cứu, theo dõi và đề ra những giải pháp khắc phục kịp thời giúp nông dân tập trung chăm sóc đảm bảo vụ mùa thắng lợi. NNVN giới thiệu những giải pháp khắc phục hiện tượng lúa trỗ sớm:

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện tượng lúa làm đòng sớm hoặc trỗ sớm năm nay xẩy ra trên diện hẹp chỉ mấy chục hécta ở một số địa phương. Nguyên nhân chính là do đợt rét kéo dài cuối năm ngoái đến đầu năm nay làm cho vụ lúa xuân bị chậm thu hoạch so với mọi năm dẫn đến khung thời vụ gieo cấy lúa mùa năm nay có giới hạn.

Trong khi phần lớn bà con các địa phương tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật như chọn giống ngắn ngày, gieo mạ, cấy lúa đúng kỹ thuật trong khung thời vụ tốt nhất, vẫn còn một vài hộ gia đình chưa làm đúng: cấy muộn bằng mạ già tuổi, cấy sâu tay với giống ngắn ngày trên chân ruộng trũng… nên đã làm cho cây lúa kém đẻ nhánh, làm đòng sớm.

Khảo sát ở HTX Quyết Thắng (Thanh Hà, Hải Dương) đoàn cán bộ VAAS phát hiện có một số diện tích (khoảng 1,5ha) được cấy bằng giống Q5, mạ già 35-40 ngày tuổi trên chân ruộng trũng hầu hết không đẻ nhánh, dảnh chính đã bước vào giai đoạn phân hóa đòng sau cấy 15-18 ngày. Bình thường, cây lúa sẽ làm đòng, trỗ bông 55-60 ngày sau cấy. Trong trường hợp này do cấy mạ già nên cây lúa bị ức chế buộc phải chuyển từ giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng sang sinh trưởng sinh thực, bỏ qua giai đoạn đẻ nhánh. Tại HTX Nam Cường (Yên Khánh, Ninh Bình) cũng xẩy ra hiện tượng tương tự trên 10 ha giống lúa Khang dân 18.

Theo chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp huyện thì bà con áp dụng phương pháp gieo mạ vùi (theo nguyên tắc dinh dưỡng tối thiểu, tuổi mạ có thể kéo dài tới 30 ngày) nhưng một số hộ gia đình đã không làm đúng (VD: sử dụng đất bùn hẩu để gieo, tưới phân đạm cho mạ…) nên không có tác dụng kìm hãm sinh trưởng của cây mạ theo yêu cầu của phương pháp. Do cấy mạ già (cấy chậm thời vụ) bị rút ngắn thời gian sinh trưởng nên cây lúa sinh trưởng, đẻ nhánh kém và phải phân hóa đòng ngay. Các hiện tượng này sẽ dẫn đến bông nhỏ, hạt lép nhiều dẫn đến năng suất thấp, chất lượng hạt gạo kém do thiếu dinh dưỡng cho cả 2 quá trình sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực gây ra.

Để khắc phục hiện tượng này, các cán bộ chuyên môn VAAS khuyến cáo bà con không nên nhổ để cấy lại (vì đã hết thời vụ cấy) mà giữ lại tiếp tục chăm sóc với một chế độ đặc biệt: điều chỉnh mức nước trong ruộng hợp lý (3-5cm), sục bùn kỹ, bón thêm phân đạm (2-3 kg/sào) để lúa tiếp tục đẻ nhánh, các nhánh cái nếu trỗ thì không thu hoạch mà sẽ tự lụi đi. Nghe theo hướng dẫn của các nhà khoa học hầu hết bà con nông dân đã yên tâm làm theo nên hiện nay cho kết quả khá tốt, lúa đẻ nhánh đều, phát triển bình thường trở lại và có thể cho thu hoạch ở mức chấp nhận được.

Để rút kinh nghiệm cho sản xuất vụ lúa mùa năm sau, các nhà khoa học VAAS khuyến cáo bà con một số điểm sau đây:

- Đối với các giống lúa ngắn ngày nếu muốn cấy trà sớm bà con không được để mạ quá già, tuổi mạ thích hợp nhất từ 15-25 ngày.

- Thực hiện nguyên tắc “chân ruộng nào thì cấy giống đó”, đặc biệt không cấy các giống ngắn ngày vào các chân ruộng thấp, ruộng trũng.

- Cần tuân thủ chính xác các khâu kỹ thuật khi gieo mạ bằng phương pháp mạ vùi.

- Khi xẩy ra hiện tượng lúa làm đòng, trỗ sớm thì không nên nhổ bỏ để cấy lại mà tập trung chăm sóc như đã nêu trên để lúa tiếp tục đẻ nhánh, sẽ cho thu hoạch.