120.000 đồng/sào không ai làm Thời điểm này, các địa phương miền Bắc đang vào vụ thu hoạch rộ lúa mùa. Tại cánh đồng thôn Đa Hội, phường Châu Khê (Từ Sơn – Bắc Ninh), nhiều ruộng lúa đã chín rũ nhưng số người đang thu hoạch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Phạm Thị Thái cho biết: “Vì bận làm sắt thép nên nhiều gia đình không có thời gian ra đồng gặt lúa, trong khi chưa thuê được thợ gặt”. Mọi năm, đến thời điểm này người làm thuê từ các nơi đổ về Đa Hội cắt lúa mướn rất đông nhưng năm nay cánh đồng vẫn rất vắng vẻ. Đa Hội vốn là làng nghề truyền thống, hầu hết các gia đình ở đây đều kinh doanh sắt thép vì vậy thời gian dành cho công việc nhà nông rất ít. Làm nông nghiệp mà các khâu làm đất, làm cỏ, cấy, phun thuốc, gặt hái... đều phải thuê. Vì phụ thuộc quá nhiều vào nhân lực ở nơi khác nên khi không thuê được thợ gặt, lúa đành phơi nắng ngoài đồng, hạt rụng dần. Vừa cắt lúa ông Nguyễn Văn Thiêm vừa kể: “Vì không tìm được thợ gặt nên dù sức khoẻ không tốt, tôi vẫn phải ra đồng”. Gia đình ông Thiêm có 2 khẩu, theo quy định ông chỉ có 3 sào ruộng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhiều gia đình bỏ ruộng, ông thuê lại để cấy lúa, tổng diện tích lên tới gần 1 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2). “Mọi năm, đến vụ gặt chỉ cần alô một tiếng là thợ gặt đến làm. Vụ này tôi tốn không biết bao nhiêu tiền điện thoại mà vẫn chưa thuê được thợ, thậm chí đã nâng mức giá thuê từ 120.000 đồng/sào lên 150.000 đồng/sào mà vẫn không có ai đến làm. Đám thợ cũ thì bỏ nghề chuyển sang làm công nhân cho các cơ sở sản xuất trong làng. Vụ này, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới gặt xong”, ông Thiêm thở dài. Không chỉ ở Bắc Ninh, nông dân nhiều nơi cũng đang khốn đốn vì không tìm được thợ gặt. Đã gần 1 tuần nay, gia đình bà Nguyễn Thị ái ở Yên Thường (Gia Lâm-Hà Nội) tìm thuê thợ gặt mà không được. “Mọi năm, giờ này tôi đã thuê người cắt lúa gần xong nhưng năm nay chẳng hiểu sao tìm thợ cắt lúa thuê khó thế. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc lúa nhà tôi rụng hết”, bà ái than. Do khu công nghiệp? Tìm hiểu nguyên nhân chúng tôi được biết, tình trạng thiếu nhân công gặt lúa diễn ra ở hầu khắp các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng. Hiện, các khu công nghiệp mọc lên như nấm, thanh niên nếu không học hành, thoát ly ra thành phố thì cũng làm công nhân ở khu công nghiệp. Ngày mùa nhưng trên đồng chỉ thấy ông bà già. Bà Mai Thị Yến ở tổ 4, xã Liên Phương (TP. Hưng Yên – Hưng Yên) than: “Nhà có 4 người thì 3 người làm công nhân trên khu công nghiệp, mình tôi phải cáng đáng gần 5 sào ruộng”. Khi được hỏi vì sao không thuê người làm, bà Yến bảo với mức giá trên 100.000 đồng/sào liệu thu có đủ bù chi. “Từ ngày có khu công nghiệp, việc đồng áng càng vất vả hơn do thiếu người làm”, bà Yến nói. Là một trong những thợ gặt thuê chuyên nghiệp, có thâm niên trên 10 năm, thu nhập mỗi vụ không dưới 2 triệu đồng nhưng chị Nguyễn Thị Đáng ở Dục Tú (Đông Anh – Hà Nội) vẫn quyết tâm bỏ “nghề”. Chị giải thích: “Bỏ nghề gặt thuê, tôi tiếc lắm vì chỉ cần tranh thủ vài ngày đã kiếm được món tiền kha khá. Nhưng xét cho cùng, đây chỉ là công việc mang tính thời vụ. Vì thế, khi xin được vào làm công nhân cho một cơ sở sản xuất tấm lợp, tôi bỏ luôn nghề gặt thuê, làm mướn”. Nếu như trước đây người ta chỉ nghe nói đến thiếu nhân công trong nhà máy, xí nghiệp thì nay nguồn nhân lực làm nông nghiệp cũng đang khan hiếm. Đã đến lúc ngành chức năng cần quan tâm đến vấn đề này và đầu tư cho cơ giới hóa một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất và cũng phù hợp với xu thế hiện nay. |