Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh hơn, nhiều hơn. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai đã nảy sinh một số bất cập cần tháo gỡ.
Cá nhân, hộ sản xuất nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có thể được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng; các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng. Đây là cơ chế mở so với các chính sách trước đây về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nâng hạn mức tiền vay cho cá nhân, tổ chức kinh tế khi vay vốn tổ chức tín dụng không phải thế chấp tài sản.
Bên cạnh việc nâng cao mức cho vay tối đa không có đảm bảo bằng tài sản, Nghị định 41 có nhiều quy định mở hơn, đối tượng vay rộng hơn trước đây. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, tổ chức tín dụng cho vay thực hiện khoanh nợ không tính lãi cho người vay đối với dư nợ hiện còn tại thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh được công bố tại địa phương. Thời gian khoanh nợ tối đa 2 năm và số lãi tổ chức tín dụng đã khoanh cho khách hàng được giảm trừ vào lợi nhuận trước thuế của tổ chức tín dụng. Nghị định 41 còn quy định, tổ chức tín dụng có chính sách miễn giảm lãi suất đối với khách hàng tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 41 đã nảy sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc. Bà Lưu Thu Tùng ở phường Yên Đổ, TP. Pleiku (Gia Lai) cho biết: "Gia đình tôi có gần 10 ha đất trồng càphê ở xã Gào, TP. Pleiku. Tôi đã liên hệ ngân hàng vay 100 triệu đồng để chăm sóc vườn cây nhưng không được chấp nhận với lý do gia đình tôi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 41. Tôi không đồng ý với lý do này vì sống ở thành phố nhưng nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp".
Tại Điều 3 của Nghị định 41 quy định: "Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn, được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là UBND xã". Thế nhưng theo hướng dẫn tại Thông tư 14/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì: "Khách hàng vay vốn phải cư trú và có cơ sở hoặc dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn". Sự không thống nhất này đã làm cả tổ chức tín dụng và người dân lúng túng trong quá trình thực hiện.
Về cơ chế bảo đảm tiền vay, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 41, các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc được UBND cấp xã xác nhận chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp. Nhưng khi áp dụng, các tổ chức tín dụng cho vay lại yêu cầu nông dân nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Trần Văn Thành ở xã Ia Sol (Phú Thiện - Gia Lai) thắc mắc: Nói là cho vay không có bảo đảm bằng tài sản nhưng lại yêu cầu người vay phải nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy chẳng khác gì so với cho vay thông thường".
Một số bất cập trên đây cần được Chính phủ, ngành chức năng sớm tháo gỡ để chính sách phát huy hiệu quả.