00:00 Số lượt truy cập: 2668783

Tình hình giá cả một số nông sản tại Lào Cai, Long An, Bạc Liêu... 

Được đăng : 03/11/2016
Lào Cai
Tại Lào Cai, giá các loại lương thực ổn định.Gạo ngon Séng Cù (Mường Khương), hương thơm Mường Vi (Bát Xát) phổ biến ở mức 7.500 - 8.000 đ/kg.

Chỉ có thịt bò, cá chép và thịt gà ta giá tăng từ 1.000 - 3.000đồng/kg, lần lượt ở mức 70.000đ/kg, 28.000đồng/kg và 37.000đ/kg. Tại các chợ trung tâm và khu vực cửa khẩu, các loại rau quả phong phú, giá ổn định. Hiện nay là tuần lễ diễn ra hội chợ biên giới Trung - Việt, tần suất trao đổi và lưu chuyển hàng hoá cao nhưng giá các mặt hàng chính vẫn không có biến động.

Tham khảo giá một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc tại Lào Cai ngày 13/11 như sau: (Tỷ giá giữa VND và NDT giữ nguyên như tuần trước là 2.002 VND/NDT):
- Thóc tẻ thường 1,6 NDT/KG
- Gạo tẻ thường 3,0 NDT/KG
- Gạo tẻ ngon 4,0 NDT/KG
- Sắn khô 1,2 NDT?KG
- Ngô đỏ (TQ) 2,2 NDT/KG
- Đậu tương L1 (TQ) 6,0 NDT/KG
- Thịt lợn hơi (TQ) 7,0 NDT/KG
- Gà thịt (TQ) 15,0 NDT/KG
- Trứng gà ta 0,7 NDT/KG
- Cá trắm cỏ 12,5 NDT/KG (tăng 2.000đ/kg so với tuần trước)
- Đào tiên (TQ) 7,0 NDT/KG
- Táo (TQ) 3,0 NDT/KG
- Nho tím (TQ) 7 NDT/kG
- Chôm chôm, lựu 4,0 NDT/kg. ./.

Vĩnh Long
Tại chợ trung tâm thị xã Vĩnh Long, giá gạo các loại đang tăng mạnh. Theo các đại lý, giá gạo các loại đã tăng thêm từ 500 – 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 10, còn các thương lái đến tận nhà mua lúa với giá từ 2.900 – 3.100 đồng/kg, tăng từ 100– 200 đồng/kg nhưng lượng lúa hàng hóa trong dân không còn nhiều. Giá các loại gạo thường từ 4.000– 4.800 đồng/kg, gạo thơm từ 6.000 – 8.000 đồng/kg. Cụ thể: gạo Trắng tép 5.000 – 5.500 đồng/kg, gạo thơm Thái, Tài nguyên 6.500 đồng/kg, Jasmine 7.000 đồng/kg, gạo thơm Lài mới 7.500 đồng/kg, gạo thơm Đài Loan 8.000 đồng/kg, gạo thơm Lài nhập 9.000 đồng/kg, nếp thường 10.000 đồng/kg, nếp Thái loại đặc biệt 13.000 đồng/kg. Tại siêu thị VINATEX Vĩnh Long, các loại gạo thơm đóng gói từ 5 –10 kg được tiêu thụ mạnh.

Theo Cục thống kê Vĩnh Long, chỉ số giá mặt hàng lương thực đã tăng 6,13% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo từ nay đến cuối năm giá gạo tiếp tục tăng do các doanh nghiệp đẩy mạnh mua lúa chế biến gạo xuất khẩu theo hợp đồng, nâng số lượng gạo xuất khẩu năm nay đạt 500.000 tấn trong đó chủ yếu là các loại gạo cao cấp 5%, gạo đặc sản và nhu cầu tiêu thụ tăng cao của thị trường nội địa trong dịp Tết./.

Long An
Từ đầu tháng 10/2006, giá lúa tại tỉnh Long An luôn biến động, tăng từ 2.400-2.550 đ/kg lên 2.700-2.800 đ/kg. Thời điểm cuối tháng 10/2006 và 10 ngày đầu tháng 11/2006 giá lúa tươi dao động từ 3.000-3.200 đ/kg, lúa khô 3.500-3.600 đ/kg (lúa thơm), lúa đặc sản như Tài nguyên, Nàng thơm tăng từ 1.200 - 1.500 đ/kg. Đây là năm giá lúa cao nhất từ trước đến nay.

Các doanh nghệp kinh doanh lương thực ở tỉnh Long An cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây thiệt hại hàng chục ngàn ha lúa ở vụ hè thu 2006, đông xuân sớm và lúa mùa 2006-2007 ở 14 huyện, thị xã trong tỉnh, năng suất bình quân chỉ đạt 3 tấn/ha, thiệt hai mất hàng chục ngàn tấn lúa. Đồng thời, dịch bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá còn nguy cơ đe dọa vụ lúa đông xuân chính vụ ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười với 180.000 ha nên nông dân không dám bán lúa đã làm cho giá tăng vọt. Trong tháng 10/2006, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực ở tỉnh Long An cũng chỉ thu mua được gần 30.000 tấn lúa trong dân, giảm 10.000 tấn so với tháng trước và ước trong tháng 11 sản lượng thu mua sẽ giảm xuống gấp 2 lần so với tháng trước../.

Bạc Liêu
Chỉ vì thiếu thông tin, không nắm được diễn biến thị trường lúa gạo trong và ngoài nước, hàng chục ngàn hộ nông dân của tỉnh Bạc Liêu đang “kêu trời” trước việc giá lúa đang tăng cao chưa từng có trong vòng hơn 20 năm trở lại đây. Hiện, giá lúa tại Bạc Liêu là 3.300 đồng/kg, nhưng không còn mấy hộ nông dân có lúa để bán. Và, cũng chính vì giá lúa quá cao, nên nhiều hộ nông dân đã sản xuất lúa liên tục không cho đất nghỉ, do đó không có đủ điều kiện để cắt mầm sâu bệnh, vì thế việc gieo trồng vụ đông xuân 2007 sắp tới của Bạc Liêu sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro lớn.

Vụ hè thu năm nay do sâu bệnh phá hại liên tục trên diện rộng, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất lúa, bình quân lúa vụ hè thu chỉ đạt 38 tạ/ha, giảm từ 8 đến 12 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2005. Mặt khác, do sâu bệnh nhiều, chi phí sản xuất cao, nên sau khi thu hoạch xong, hầu hết người sản xuất đều phải bán lúa để trang trải nợ nần, giá lúa vào thời điểm đó (tháng 9, 10) là từ 2.200 đến 2.300 đồng/kg người sản xuất cũng có lãi, nên nông dân đã bán hết để đầu tư cho vụ đông xuân.

Do tình hình sâu bệnh (rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá) diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ lây lan cao, nên ngành nông nghiệp đã khuyến cáo và hạn chế gieo cấy lúa vụ 2 còn 50% kế hoạch ban đầu và chỉ xuống giống ở vùng an tòan chưa bị sâu bệnh từ vụ hè thu. Nhưng tất cả các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn đều bị nhà nông “bỏ ngòai tai” và tìm mọi cách xuống giống vụ thu đông trên diện rộng. Thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp Bạc Liêu, diện tích lúa thu đông đã xuống giống lên đến 43.8795 ha, trong khi kế họach đề ra ban đầu là 50.000 ha. Hiện, diện tích lúa thu đông đang bị nhiễm bệnh lên đến hơn 8.100 ha, trong đó lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VLLXL) trên 310 ha và hơn 50% trong số này nằm trong diện phải tiêu hủy tòan bộ vì nhiễm bệnh trên 10% diện tích.

Ngành nông nghiệp và người trồng lúa ở Bạc Liêu đang trực chiến trên đồng ruộng để chống chọi với sâu bệnh nhằm bảo vệ lúa. Kinh nghiệm dùng phân bón lá bón cho cây lúa bị bệnh VL, LXL của nông dân tỉnh Sóc Trăng cũng đang được nhiều hộ nông dân ở Bạc Liêu áp dụng. Theo dự báo của cơ quan chức năng, từ nay đến hạ tuần tháng 11 sẽ có một đợt rầy nâu nở rộ mới tấn công trà lúa thu đông, do đó thăm đồng thường xuyên để chủ động phát hiện sâu bệnh và có biện pháp bảo vệ lúa là giải pháp hàng đầu đối với người trồng lúa hiện nay.