00:00 Số lượt truy cập: 3072769

Tình hình sâu bệnh trên lúa có nhiều diễn biến phức tạp 

Được đăng : 03/11/2016
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh một số sâu bệnh hại lúa. Các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp để phòng, trừ sâu bệnh.

Tại các tỉnh miền Bắc, trên lúa đông xuân cuối vụ, bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại trên lúa thời kỳ trỗ - chín. Ở Thừa Thiên Huế, diện tích nhiễm 35 ha, tỷ lệ bệnh dưới 5% số dảnh; triệu chứng bệnh cũng đã xuất hiện tại Quảng Trị. Ngoài ra, rầy nâu và rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn,… phát sinh gây hại tương đối phổ biến, tuy nhiên mức độ gây hại nhẹ và hầu hết diện tích nhiễm sâu, bệnh đã được phòng trừ kịp thời.

Trên diện tích lúa mùa sớm đã xuất hiện rầy nâu và rầy lưng trắng, sâu năn, bọ trĩ, bệnh đạo ôn lá gây hại. Đáng chú ý diện tích lúa bị nhiễm ốc bươu vàng tương đối lớn, với hàng chục ngàn ha trong đó nhiễm nặng trên 5 ngàn ha; sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh mật độ 20-30 con/m2, nơi cao 50-80 con/m2, cục bộ 150-200 con/m2 tập trung nhiều tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, Yên Bái, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Ninh; tổng diện tích nhiễm trên 40 ngàn ha, diện tích nhiễm nặng gần 1.000 ha và trên 30 ngàn ha đã được các địa phương phun thuốc phòng trừ. Đáng chú ý, trên mạ lúa mùa có sâu cuốn lá nhỏ nhiễm và gây hại khoảng 4 ngàn ha trên trà mạ từ 3-5 lá, mật độ từ 20-50 con/m2, nơi cao từ 100-200 con/m2. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ xuống giống lúa mùa tại các tỉnh miền Bắc.

Tại các tỉnh miền Nam, sâu bệnh gây hại chủ yếu trên lúa hè thu, đáng chú ý là rầy nâu với tổng diện tích nhiễm trên 65 ngàn ha, mật độ phổ biến từ 1.000-2.000 con/m2, nơi cao từ 3.000-7.000 con/m2. Các tỉnh có rầy nâu xuất hiện phổ biến, gồm: Long An, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang và Kiên Giang. Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 62.538 ha, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5-10%, nơi cao 20%. Các địa bàn có bệnh xuất hiện nhiều gồm Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang,... Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ diện tích nhiễm trên 36,5 ngàn ha, mật độ phổ biến 10-20 con/m2 tập trung nhiều tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cũng đã xuất hiện với tổng diện tích lúa bị nhiễm hơn 2.100 ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ1.200 ha; diện tích nhiễm mức trung bình 575 ha; diện tích nhiễm nặng 330 ha; tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và An Giang.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong tháng 7 ngành đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc cán bộ kỹ thuật tích cực thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, dự báo chính xác và phát hiện kịp thời nên đã hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng, trừ đạt hiệu quả cao. Đáng chú ý, Cục đã khuyến cáo nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học theo hướng hiệu quả bền vững và an toàn với môi trường.