00:00 Số lượt truy cập: 2663051

Tình hình thị trường hàng hoá trong nước ngày 25/09/2006 

Được đăng : 03/11/2016

Giá cá Tra tăng cao nhất từ trước tới nay


Theo Bộ Thủy sản, tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) nơi ương và cung cấp cá tra giống lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cá tra giống loại 2cm/con đang ở mức 600 đồng/con, cao nhất từ trước đến nay. Riêng loại cá 1,5cm/con, giá cũng đã tăng từ 220 lên 280 đồng/con so với thời điểm cách đây 2 tháng. Mặc dù giá cao, nhưng do nhu cầu mua nuôi từ nhiều địa phương rất lớn nên lượng cá giống cung cấp không đủ, đã gây nên tình trạng tranh mua, làm cho giá cá càng tăng lên từng ngày.

Không những chỉ giá cá tra giống tăng cao mà ngay giá cá tra nguyên liệu cũng tiếp tục tăng thêm từ 400 đến 500 đồng/kg. Hiện cá tra nuôi hầm thịt trắng được doanh nghiệp mua vào với giá từ 13.600 đến 13.800 đồng/kg, cá tra hầm thịt vàng từ 11.400 đến 11.600 đồng/kg, cá tra bè giá từ 11.800 đến 12.200 đồng/kg.

Tuy nhiên, do xu hướng giá cá đang tăng nên bà con nuôi cá vẫn tiếp tục giữ cá chờ giá lên đã gây khó khăn cho công tác thỏa thuận thu mua của các doanh nghiệp. Do nhu cầu nguyên liệu chế biến, một số doanh nghiệp đã tăng giá thu mua cá loại I lên 14.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), nguyên nhân giá cá nguyên liệu tăng nhanh là do thị trường châu Âu sau nghỉ hè bắt đầu ăn mạnh trở lại, đặc biệt là thị trường Nga. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tăng mua để dự trữ bán mùa Noel và Tết dương lịch. AFA đã khuyến cáo bà con không nên tiếp tục chờ giá, nếu giá thích hợp nên bán để đầu tư nuôi mới.

Giá đường tiếp tục giảm 500- 1.000 đồng/kg

Theo Trung tâm Thông tin thương mại - Bộ Thương mại, giá bán lẻ đường RS hiện vào khoảng 9.000 đồng/kg, đường RE dao động từ 9.500 đến 10.700 đồng/kg. Như vậy giá đường đã giảm tiếp từ 500 đến 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 9 và giảm khoảng 1.000- 1.500 đồng/kg so với đầu tháng 8. Giá bán buôn đường trong nước hiện chỉ khoảng 8.000- 8.400 đồng/kg.

Giá đường tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào bởi đường nhập lậu vẫn tiếp tục xâm nhập vào nội địa và các nhà máy sản xuất đường trong nước đang bước vào vụ sản xuất mới. Hiện nay một số vùng trồng mía đang đứng trước nguy cơ thừa nguyên liệu. ở ĐBSCL, giá sàn mua mía tại ruộng chỉ khoảng 320.000- 350.000 đồng/tấn, giảm 50.000- 70.000 đồng/tấn so với hồi đầu năm 2006.

Trên thế giới giá đường cũng tiếp tục giảm. Ngày 22/9, giá 1 tấn đường trắng giao tháng 12/06 trên thị trường LIFFE chỉ còn 385,8 USD/ounce so với mức 409,7 USD/tấn tuần trước đó. Trên thị trường NYBOT, giá đường thô giao tháng 10/06 cũng giảm xuống 11,25 xu Mỹ/1b (0,454 kg) so với mức 12,44 xu Mỹ/1b tuần trước đó. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo, sản lượng đường thế giới niên vụ 2006/07 sẽ dư thừa khoảng 2,2 triệu tấn. Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình này khiến giá đường trong nước vẫn còn có thể giảm tiếp.

Tây Ninh: Giá mủ cao su giảm 45%

Từ tháng 8 đến nay, giá mủ cao su liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 26 triệu đồng/tấn (loại SVR 3L), giảm khoảng 45% so với thời điểm giá cao nhất vào tháng 7/2006 (đạt 45-48 triệu đồng/tấn).

Theo ông Phan Tấn Hùng- Phó trưởng phòng kế hoạch Công ty cao su Tân Biên, giá cao su SVR 3L của Công ty xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, Nga, Xingapo... cũng chỉ còn 26,7 triệu đồng/tấn, giảm 34% so với đầu tháng 7/2006. Theo nhận định của một số giám đốc Công ty cao su ở Tây Ninh, giá cao su hiện nay giảm mạnh là do nguồn cung trên thế giới đã bão hòa so với nhu cầu. Hiện hai nước sản xuất cao su tự nhiên lớn là Thái Lan và Malaixia đang vào vụ thu hoạch cao điểm, trong lúc nguồn tiêu thụ mủ trên thế giới đang chậm lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với giá mủ như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn có lãi nhiều so với các loại cây trồng khác.

Tỉnh Tây Ninh hiện có khoảng 45.000 ha cao su, trong đó có 30.000 ha đã cho thu hoạch sản lượng năm 2006 ước đạt 60.000 tấn mủ quy khô.

Giá tôm sú nguyên liệu tăng đột biến tại Trà Vinh

Trong những ngày qua, giá thu mua tôm sú nguyên liệu ở tỉnh Trà Vinh tăng đột biến. Giá tôm loại 3 (25- 30 con/kg) bình quân 145.000 đồng/kg; giá tôm loại 2 (từ 20- 25 con/kg) là 152.000 đồng/kg; giá tôm loại 1 (bình quân 19 con/kg) là 160.000 đồng/kg. Như vậy so với đầu vụ thu hoạch, giá tôm sú thương phẩm các loại đều tăng từ 25.000- 35.000 đồng/kg. Đồng thời với giá tôm nguyên liệu tăng là việc tranh thu mua tôm sú nguyên liệu.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 4 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 2 đơn vị chế biến tôm sú, các vệ tinh của các cơ sở này đã có mặt ở khắp các vùng trọng điểm nuôi tôm. Do vụ nuôi tôm năm nay nông dân Trà Vinh trúng mùa, nên thương lái các nơi đổ về tranh mua tôm nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy với giá cao. Mỗi ngày có hàng chục chiếc xe chuyên dùng vận tải hàng đông lạnh thường trực trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Giá tôm tăng cao, thương lái thường xuyên đến tận nhà người nuôi tôm, để tranh mua khi tôm thu hoạch, người nuôi tôm không còn phải chờ người đến mua tôm như năm trước.

Vụ tôm sú năm 2006, Trà Vinh có trên 2,2 tỉ con tôm sú giống được thả nuôi trên diện tích gần 25.000 ha mặt nước ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành. Diện tích thu hoạch hiện nay mới hơn 50%. Một nguyên nhân cạnh tranh thu mua nguyên liệu quyết liệt trên địa bàn Trà Vinh là do sản lượng tôm sú của phần lớn các tỉnh ĐBSCL năm nay đều giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh trên tôm vào đầu vụ nuôi, cùng với năng suất cũng giảm, dẫn đến nguồn nguyên liệu thiếu hụt nên các nhà máy chế biến thủy hải sản xuất khẩu phải cạnh tranh mua giá cao để bảo đảm đủ hàng cung cấp theo các hợp đồng xuất khẩu.

Vĩnh Long: giá thịt gia súc giảm 5,17%

Tại Vĩnh Long, chỉ số giá nhóm hàng thịt gia súc hiện nay giảm 5,17% so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch bệnh lở mồm long móng. Giá lợn hơi trong tháng 9 hiện chỉ còn 1,2- 1,3 triệu đồng/tạ, giảm 200.000 đồng/tạ so với tháng trước. Giá bán lẻ tại các chợ cũng giảm 3.000 đồng/kg.

Theo số liệu điều tra, tổng đàn lợn của Vĩnh Long đang giảm mạnh. Tại thời điểm 1/8/2006, toàn tỉnh có 287.944 con lợn trong đó lợn thịt chiếm 85,93% tổng đàn. So với cùng kỳ năm ngoái, đàn lợn giảm 8,58 % và so với thời điểm điều tra 1/4/2005 giảm 12,84 %. Hiện nay, phong trào chăn nuôi gia đình tập trung ở huyện Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm với số lượng đàn lợn mỗi huyện từ 53.000- trên 66.000 con. Thương lái lợi dụng dịch bệnh để mua ép giá, trong khi giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao nên người chăn nuôi không phát triển nuôi.

Vỏ dừa tăng cao tại Bến Tre

Giá vỏ dừa trái - nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất chỉ xơ dừa ở Bến Tre đang đứng ở mức cao kỷ lục, từ 700-800 đồng/kg. Mức giá này gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nguồn hàng dần khan hiếm trong khi thị trường xuất khẩu chỉ xơ dừa đang phát triển rất mạnh. Hiện chỉ xơ dừa của Bến Tre xuất khẩu được giá phổ biến ở mức 280-290 USD/tấn (năm ngoái chỉ đạt 170 USD/tấn).